Nguyễn Kim Quý

Khi nghỉ việc viên chức được hưởng những chế độ gì?

Luật sư tư vấn về những chế độ được hưởng khi nghỉ việc của viên chức. Điều kiện, thời gian, mức hưởng của các chế độ này khi chấm dứt hợp đồng lao động vô thời hạn đối với viên chức

Nội dung tư vấn:  Kính gửi Công ty Luật Minh Gia! Xin Quý công ty cho tôi hỏi về chế độ nghỉ việc của viên chức như sau: Trường tôi có giáo viên được tuyển dụng vào ngành ngày 10/10/1988 là giáo viên tiểu học. Hiện nay giáo viên đó bị bệnh hiểm nghèo muốn xin nghỉ việc ngay thì sẽ được giải quyết chế độ như thế nào? (Hệ số lương của cô là 4.65 hưởng từ 01/11/2016, phụ cấp thâm niên là 29%). Xin quý công ty giải đáp và gửi qua email này, chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Trường bạn có tuyển dụng giáo viên vào ngành làm việc từ 10/10/1988 đến nay. Đây là hợp đồng lao động không xác định thời hạn, giáo viên đó có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật Viên chức 2010:

 

"Điều 29. Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc

 

4. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày.”

 

Như vậy, giáo viên của trường bạn mắc bệnh hiểm nghèo mà muốn nghỉ việc ngay thì người đó phải có thời gian điều trị 6 tháng liên tục và trước khi nghỉ việc người đó phải báo trước với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trước ít nhất 3 ngày.

 

Khi thôi việc, viên chức sẽ được hưởng các chế độ theo quy định tại Điều 45 Luật Viên chức 2010:

 

“1. Khi chấm dứt hợp đồng làm việc, viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

 

2. Viên chức không được hưởng trợ cấp thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

 

a) Bị buộc thôi việc;

 

b) Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc mà vi phạm quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 29 của Luật này;

 

c) Chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại khoản 5 Điều 28 của Luật này.”

 

Như vậy, nếu giáo viên trường bạn thôi việc vì lí do mắc bệnh hiểm nghèo mà không trái với quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật Viên chức 2010 tức là đã có thời gian điều trị 6 tháng liên tục và trước khi nghỉ việc báo trước 3 ngày thì giáo viên đó sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Viên chức 2010.

 

Về trợ cấp thôi việc thì căn cứ quy định tại nghị định 29/2012/NĐ-CP:

 

“1. Trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 31 tháng 12 năm 2008 trở về trước được tính như sau:

 

a) Cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 (một phần hai) tháng lương hiện hưởng, gồm: Mức lương theo chức danh nghề nghiệp, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có);

 

b) Mức trợ cấp thấp nhất bằng 01 (một) tháng lương hiện hưởng;

 

c) Trường hợp viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2003, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2008.

 

d) Trường hợp viên chức được tuyển dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2003 trở về sau, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc theo hợp đồng làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2008.

 

2. Trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 đến nay được thực hiện theo quy định của pháp luật về trợ cấp thất nghiệp.

 

3. Nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc được lấy từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

 

4. Viên chức thôi việc được hưởng trợ cấp thôi việc quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này và được xác nhận thời gian có đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.”

 

Như vậy, trong trường hợp của bạn, do giáo viên này được tuyển dụng từ 10/10/1988 là thời điểm trước 1/7/2003 nên thời gian tính trợ cấp thôi việc là thời gian làm việc cộng dồn kể từ ngày có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31/12/2008. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc được quy định tại Khoản 2 Điều 48 BLLĐ 2012 như sau:

 

“2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.”

 

Thời gian thực tế người lao động làm cho người sử dụng lao động quy định tại Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ-CP như sau:

 

“ a) Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian thử việc, học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ hằng tuần theo Điều 110, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo các Điều 111, Điều 112, Điều 115 và Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật Lao động; thời gian nghỉ để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc và thời gian bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội”.

 

Hiện nay, mức lương cơ sở được pháp luật quy định là 1.390.000 đồng.  Bạn có thể tính tháng lương hiện hưởng để tính trợ cấp thôi việc theo công thức sau:

 

Tháng lương hiện hưởng = Mức lương theo chức danh nghề nghiệp + Phụ cấp thâm niên

 

Mức lương theo chức danh nghề nghiệp = Hệ số lương x mức lương cơ sở 

 

Phụ cấp thâm niên = Mức % phụ cấp thâm niên được hưởng x Hệ số lương x Mức lương cơ sở

 

Vì bạn không cung cấp về thời gian người giáo viên đó đóng bảo hiểm xã hội cũng như bảo hiểm thất nghiệp nên bạn có thể tính trợ cấp thôi việc theo công thức sau:

 

Mức trợ cấp thôi việc được hưởng = 1/2 x Tháng lương hiện hưởng x  Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc

 

Từ 1/1/2009, nếu giáo viên trường bạn có đủ điều kiện theo quy định tại Điểu 49 Luật Việc làm 2013 thì giáo viên đó sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp:

 

“Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

 

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

 

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

 

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

 

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

 

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;

 

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

 

a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

 

b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

 

c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

 

d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

 

đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

 

e) Chết.”

 

Giáo viên trường bạn sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi đơn phương chấm dứt hợp đồng, đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm và chưa tìm được việc sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ trừ các trường hợp theo quy định của Luật Việc làm 2013. Trường hợp đáp ứng đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, mức hưởng, thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Điều 50 Luật Việc làm 2013:

 

“1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

 

2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

 

3. Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này.”

 

Theo đó, nếu giáo viên trường bạn đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp 12 tháng đến đủ 36 tháng thì sẽ được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó cứ đủ 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp nhưng không quá 12 tháng, mỗi tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở.

 

Về chế độ bảo hiểm xã hội thì nếu giáo viên trường bạn đã đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định của BLLĐ 2012 là nữ từ đủ 55 tuổi, nam từ đủ 60 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ việc thì sẽ được hưởng lương hưu, nếu không đủ điều kiện hưởng lương hưu thì giáo viên trường bạn có thể nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại điểm c Điều 60 Luật BHXH 2014:

 

“Điều 60. Bảo hiểm xã hội một lần

 

1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 

c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;”

 

Hoặc giáo viên trường bạn có thể tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại cơ quan bảo hiểm xã hội tại địa phương cho đến khi đủ điều kiện.

 

Trân trọng

Phòng tư vấn pháp luật Lao động - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo