Cao Thị Hiền

Thỏa thuận kéo dài thời gian thử việc không lập văn bản được không?

Thời gian thử việc thông thường sẽ kéo dài 2 tháng. Đây là một khoản thời gian khá dài để người lao động chứng tỏ được khả năng của mình cũng như là thời gian để người sử dụng lao động đánh giá được trình độ kỹ năng của người lao động. Nếu thời gian thử việc đã kết thúc, các bên tham gia ký kết hợp đồng thử việc có được kéo dài thời gian thử việc hay không? Bài viết dưới đây của Luật Minh Gia sẽ thông tin tới bạn đọc.

1. Thỏa thuận kéo dài thời gian thử việc không lập văn bản được không?

Điều 25 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về thời gian thử việc như sau:

Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:

1. Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

2. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

3. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

4. Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.

Theo đó, căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc, hai bên tham gia quan hệ lao động sẽ thỏa thuận về thời gian thử việc. Tuy nhiên chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và thời gian thử việc phải đáp ứng theo quy định của pháp luật lao động.

Căn cứ Điều 27 Bộ luật lao động 2019 quy định kết thúc thời gian thử việc như sau:

1. Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.

Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.

Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.

2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.

Như vậy, khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động bắt buộc phải có nghĩa vụ thông báo kết quả thử việc cho người lao động. Theo đó, có hai trường hợp có thể xảy ra:

  • Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.
  • Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp lao động hoặc hợp đồng thử việc đã giao kết.

Như vậy, sau khi kết thúc thời gian thử việc, doanh nghiệp chỉ có hai lựa chọn: cho người lao động nghỉ việc hoặc ký hợp đồng lao động chính thức với người lao động. Việc thỏa thuận kéo dài thời gian thử việc là hành vi trái pháp luật không phụ thuộc vào thỏa thuận đó có được lập thành văn bản hay không. Thỏa thuận kéo dài thời gian thử việc sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

Căn cứ khoản 2 Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP xử phạt vi phạm quy định về thử việc như sau:

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần đối với một công việc;

b) Thử việc quá thời gian quy định;

...”

Lưu ý: khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì mức phạt quy định nêu trên chỉ là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức sẽ bằng 02 lần mức phạt đối với cá nhân.

Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên, người sử dụng lao động thử việc quá thời gian quy định đối với người lao động sẽ bị phạt tiền như sau:

Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động là cá nhân.

Từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động là tổ chức.

2. Tư vấn thỏa thuận kéo dài thời gian thử việc

Nội dung tư vấn: Chào Luật Sư, Tôi là một sinh viên mới ra trường, được tuyển vào làm thử việc tại 1 công ty Xuất nhập khẩu của Nhật. Hợp đồng thử việc của tôi bắt đầu từ ngày 19/8 và kết thúc 19/10. Tuy nhiên, do có lí do, tôi có thỏa thuận với phòng nhân sự công ty (thỏa thuận bằng miệng) là sẽ kéo dài thời gian thử việc đến ngày 31/10, nhân sự cũng đồng ý. Công ty tôi có quy định là trả lương vào ngày 25 hàng tháng, và lương đó tính tới cuối tháng. Tôi đã nhận lương vào tài khoản của mình tính đến ngày 31/10. Nay, tôi không muốn tái kí hợp đồng chính thức với công ty và đã báo với phòng nhân sự, với quản lí trực tiếp của tôi qua email. Nhưng phòng nhân sự lại bắt tôi phải điền và kí vào Phiếu đề nghị đơn phương chấm dứt hợp đồng; cộng thêm sếp tôi bắt tôi phải kí biên bản bàn giao công việc cho người mới. Tôi xin hỏi luật sư là, trong trường hợp của tôi, 1. Có cần phải kí 2 loại giấy tờ như trên hay không? 2. Sếp tôi viết mail nói với tôi là tôi sẽ làm hết ngày 29/10 rồi sẽ chấm dứt làm việc, vậy nếu ngày 29/10 tôi làm xong và chấm dứt làm việc, có cần phải trả lại lương cho công ty (ngày 31/10) hay không? Tôi mong nhận được sự tư vấn từ luật sư sớm nhất. Tôi xin cám ơn.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với nội dung yêu cầu tư vấn của bạn, chúng tôi giải đáp như sau:

Thứ nhất, về vấn đề thỏa thuận kéo dài thời gian thử việc.

Căn cứ Điều 27 Bộ luật lao động 2019 khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng phải thông báo kết quả cho người lao động. Nếu thử việc đạt yêu cầu thì giao kết hợp đồng lao động; nếu thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng thử việc. Thời gian thử việc của bạn bắt đầu từ ngày 19/8 kết thúc ngày 19/10, do đó, khi hết thời gian này, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho bạn. Song, khi hết thời hạn thử việc, hai bên đã thỏa thuận kéo dài thời gian thử việc. Hành vi này là trái với quy định của pháp luật, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm quy định về thử việc theo điểm khoản 2 Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

Thứ hai, về việc ký giấy đề nghị đơn phương chấm dứt hợp đồng, ký biên bản bàn giao công việc.

Theo tinh thần của án lệ số 20/2018/AL quy định hết thời gian thử việc, người lao động vẫn tiếp tục làm việc mà người sử dụng lao động và người lao động không có thỏa thuận nào khác thì trong trường hợp này người lao động và người sử dụng lao động đã xác lập quan hệ lao động. Như vậy, trong trường hợp của bạn khi hết thời gian thử việc, hai bên đã thỏa thuận về việc kéo dài thời gian thử việc. Do vậy, giữa bạn và công ty đã xác lập thỏa thuận khác, theo đó có thể xác định giữa bạn và công ty chưa xác lập quan hệ hợp đồng.

Theo thông tin bạn cung cấp, hiện bạn không muốn tái kí hợp đồng chính thức với công ty và đã báo với phòng nhân sự, với quản lí trực tiếp của bạn qua email. Nhưng phòng nhân sự lại bắt bạn phải điền và kí vào Phiếu đề nghị đơn phương chấm dứt hợp đồng; cộng thêm sếp bạn yêu cầu bạn phải kí biên bản bàn giao công việc cho người mới. Như đã phân tích trên, do giữa bạn và công ty đã xác lập một thỏa thuận khác sau khi chấm dứt hợp đồng thử việc do vậy bạn chưa xác lập quan hệ lao động với công ty, do đó bạn không cần phải kí 2 loại giấy tờ nêu trên.

Sếp bạn viết mail nói với bạn là bạn sẽ làm hết ngày 29/10 rồi sẽ chấm dứt làm việc. Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 10 biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định về thử việc như sau:

a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương của công việc đó cho người lao động khi có hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, điểm a, b, c khoản 2 Điều này;

Như vậy, nếu hết ngày 29/10 bạn xong công việc thì bạn được nhận đủ lương cho đến hết ngày 29/10. Bạn có nghĩa vụ hoàn trả lại số tiền mà người sử dụng lao động đã thanh toán thừa cho bạn.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo