Đang mang thai bị chấm dứt hợp đồng lao động làm thế nào?
Em rất lo lắng nếu bị cấp trên cho nghỉ việc thì em sẽ không được hưởng chế độ thai sản khi sinh. Vì em chưa đóng bảo hiểm đủ 6 tháng. Em muốn hỏi : năng lực và thời gian làm việc của em bị giảm đi như vậy thì công ty có quyền ép em nghỉ việc hay không ạ? Thứ 2: nếu em bị ép nghỉ việc thì em có thể nhờ công ty đóng bảo hiểm giúp em không? (100% phí đóng bảo hiểm em xin chịu) . Để sau 7 tháng nữa em có được hưởng chế độ thai sản không ạ? Xin quý công ty giải đáp thắc mắc giúp em. Em xin chân thành cảm ơn.
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin trả lời tư vấn như sau:
Thứ nhất, về vấn đề chấm dứt hợp đồng khi bạn mang thai.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 155 Bộ luật lao động 2012 thì công ty không thể ép bạn nghỉ việc vì lí do bạn mang thai.
“Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động”.
Mặt khác, công ty chỉ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi thuộc các trường hợp tại Điều 38 BLLĐ 2012 khi:
''...
a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;
c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;
d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này”.
Hình thức kỷ luật sai thải chỉ áp dụng trong các trường hợp quy định tại Điều 126 Bộ luật lao động 2012:
“ 1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;
2. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.
Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 127 của Bộ luật này;
3. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.
...."
Tuy luật lao động ngăn cấm việc người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng đối với phụ nữ mang thai nhưng nếu lao động đang mang thai thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng thì công ty có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Theo thông tin bạn cung cấp, do ốm nghén nên bạn nghỉ 6 ngày/tháng. Trường hợp nghỉ vì lý do sức khoẻ, bạn cần phải có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền. Nếu không trình được giấy tờ chứng minh mình nghỉ việc là có lý do chính đáng thì công ty có quyền xử lý kỷ luật sa thải đối với bạn theo quy định tại khoản 3 Điều 126 nêu trên.
Thứ hai, về vấn đề bảo hiểm và chế độ thai sản.
Điều 21 - Luật BHXH 2014 - Trách nhiệm của người sử dụng lao động
“ 1. Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.
2. Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.
…
5. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật”.
Theo đó, công ty chỉ có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho bạn khi bạn còn là nhân viên của công ty. Nếu trường hợp bạn đã nghỉ việc tại công ty thì nghĩa vụ này cũng đồng thời chấm dứt, công ty sẽ chốt và trả lại sổ bảo hiểm cho bạn. Bạn chỉ được hưởng chế độ thai sản khi đáp ứng điều kiện đã tham gia bảo hiểm từ đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh con.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất