Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Ly hôn khi vợ đang nuôi con 6 tháng tuổi

Câu hỏi: Luật sư cho hỏi về việc ly hôn khi vợ đang nuôi con nhỏ như sau: Vợ chồng chúng tôi sống chung với gia đình nhà chồng, chồng tôi được bố mẹ để lại cho 1 căn nhà. Nay chồng tôi muốn ly hôn, liệu tôi có được chia nhà hay không? Tôi đang nuôi con 6 tháng tuổi. Vì vậy, tôi muốn hỏi nếu trong thời gian hoà giải, tôi không muốn ly hôn thì chồng tôi có được quyền ly hôn hay không? Tôi xin cảm ơn.

Trả lời: Chào bạn, Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, đối với trường hợp trên chúng tôi tư vấn như sau:

* Thứ nhất, về vấn đề chia tài sản khi ly hôn:

Câu hỏi của bạn liên quan đến việc phân chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Đối với vấn đề này, Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định việc chia tài sản khi ly hôn đối với tài sản chung và tài sản riêng vợ chồng như sau:

“4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.”

Như vậy, để phân chia tài sản khi ly hôn phải xác định được tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng. Theo đó, khoản 1 Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định cụ thể như sau:

“1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.”

Trong trường hợp của bạn thì vợ chồng bạn sống chung với gia đình nhà chồng, và chồng bạn được bố mẹ để lại cho 1 căn nhà. Như vậy căn nhà mà chồng bạn được bố mẹ để lại cho đó là tài sản riêng của chồng bạn được bố mẹ tặng cho trong thời kỳ hôn nhân và theo quy định của pháp luật thì nguyên tắc chia tài sản sau ly hôn là tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu riêng của bên đó. Như vậy bạn sẽ không được chia nhà.

* Thứ hai, về việc chồng bạn có quyền ly hôn hay không?

Tại điều 51 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định về quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn như sau: 

“1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

...

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”  

Trường hợp của bạn thì bạn đang nuôi con nhỏ 6 tháng tuổi theo quy định của pháp luật thì chồng bạn không có quyền yêu cầu ly hôn.

- Người vợ có thể đơn phương ly hôn khi con dưới 36 tháng tuổi hay không?

Câu hỏi: Chào luật sư, Em mới lấy chồng và hiện đang có con nhỏ dưới 1 tuổi. Em với chồng em không hợp nhau, gia đình ko hạnh phúc. Cùng với việc , em ko hợp với gia đình chồng nên cuộc sống rất nặng nề u uất căng thẳng và áp lực. Em muốn làm đơn ly hôn, chồng em không đồng ý. Vậy em muốn làm đơn ly hôn đơn phương có được không ạ? Em với chồng em ko có tài sản chung , không có nợ chung. Chỉ có 1 con chung sinh cuối năm 2017.Em không có yêu cầu chồng em chu cấp cho con sau ly hôn. Nhưng em muốn nhận quyền nuôi con.Vợ chồng em không có bạo hành gia đình, cũng không có ai ngoại tình, không ly thânTuy nhiên, vì em nghỉ làm khi có bầu và sinh con nên hiện tại em chưa có công việc, gia đình em lại không khá giả bằng gia đình chồng. Em không có yêu cầu đòi hỏi gì từ chồng sau ly hôn. Vậy liệu toà có giải quyết ly hôn cho em không? Và em có được quyền nuôi con không? Xin luật sư tư vấn giúp em ah! Xin giúp em làm cách nào có thể ly hôn được và giành đc quyền nuôi con. Em xin cám ơn nhiều ah! 

TRẢ LỜI: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, nội dung bạn hỏi chúng tôi tư vấn như sau:

Chúng tôi rất lấy làm tiếc về chuyện hôn nhân của gia đình bạn. Ly hôn là điều không ai mong muốn cả. Nhưng nhiều khi nó lại là điều không thể tránh khỏi và chúng ta chỉ đang làm những điều tốt nhất có thể.

Về câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được tư vấn cụ thể như sau:​

Trong trường hợp của bạn, bạn muốn làm đơn ly hôn đơn phương. Về ly hôn theo yêu cầu của một bên, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định:

“Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn” (khoản 1 Điều 51)

“Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được” (khoản 1 Điều 56)

Theo quy định trên, Tòa sẽ chấp nhận yêu cầu ly hôn của bạn khi hôn nhân của vợ chồng bạn lâm vào tính trạng trầm trọng. Được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng khi:

- Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

- Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

- Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình;

Tuy nhiên, như bạn đã trình bày, vợ chồng bạn không có bạo hành gia đình, cũng không có ai ngoại tình, không ly thân. Theo quy định trên, lý do để Tòa chấp nhận đơn ly hôn đơn phương của bạn là không có. Do đó, nếu bạn muốn ly hôn, bạn chỉ có thể thỏa thuận với chồng để chồng bạn đồng ý ký vào đơn ly hôn. Khi đó, Tòa sẽ chấp nhận đơn ly hôn của bạn trong trường hợp thuận tình ly hôn (Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình 2014):

“Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.

Trường hợp Tòa công nhận thuận tình ly hôn, vợ chồng bạn đã có sự thỏa thuận về việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và con. Như vậy, nếu bạn muốn giành được quyền nuôi con, bạn có thể tự thỏa thuận với chồng, sao cho đảm bảo được quyền lợi chính đáng của bạn và con. Khi đó, Tòa sẽ công nhận quyền nuôi con sau ly hôn của bạn.

Trường hợp vợ chồng bạn không thỏa thuận được về quyền nuôi con sau ly hôn, Tòa sẽ giải quyết căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn được quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2.Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3.Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Từ những quy định trên, có thể rút ra một số điều:

 - Con bạn sinh cuối năm 2017, tức tính tới thời điểm này, con bạn dưới 36 tháng tuổi. Vì vậy, Tòa sẽ mặc định giao con cho người mẹ, tức bạn trực tiếp nuôi.

- Tuy nhiên, như bạn đã trình bày, bạn nghỉ làm khi có bầu và sinh con nên hiện tại chưa có công việc, gia đình bạn lại không khá giả bằng gia đình chồng. Khi xem xét ai sẽ là người có quyền nuôi con, Tòa án sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau với mục đích tìm được người có thể đáp ứng tối đa yêu cầu cho sự phát triển của đứa trẻ. Nhìn chung Tòa án sẽ dựa trên 3 yêu tố sau:

+ Điều kiện về vật chất bao gồm: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập…các yếu tố đó dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ;

+ Các yếu tố về tinh thần bao gồm: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm đã dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi giải trí, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn … của cha mẹ.

+ Nguyện vọng của con: Con mong muốn được ở với ai (chỉ áp dụng với con từ đủ 7 tuổi trở lên).

Như vậy, trong trường hợp của bạn, nếu bạn thực sự yêu thương con mình và có đủ khả năng chứng minh trước tòa rằng mình có thể đem lại cho con mình cuộc sống tốt đẹp hơn thì việc bạn giành được quyền nuôi con là hoàn toàn có thể.

---

- Người cha muốn nuôi con dưới 12 tháng tuổi khi ly hôn phải thực hiện thế nào?

Câu hỏi: Kính gửi luật sư Tôi hiện nay 29 tuổi có gia đình được 1 năm. Vợ chồng tôi có chung 1 đứa con 6 tháng tuổi. Vợ tôi còn có 1 đứa con riêng tầm 4 tuổi gửi cho ông bà ngoại nuôi. Tôi đang làm bếp lương mỗi tháng 6 triệu. Vợ tôi từ khi cưới về ko có đi làm. Sau thời gian sinh sống chung thì thấy tính tình vợ tôi không hạp với mẹ chồng đâm ra cáu gắt gay gỗ với tôi nhiều lần.

Tôi cũng đã khuyên hết lời nhưng vợ không nghe. Ra ngoài sống riêng thì không được vì tôi là trai trưởng trong nhà. Mỗi lần cãi nhau là đòi ẵm con nhỏ về quê . Từ khi con tôi sinh tới nay thì ông bà ngoại chưa vào thăm lần nào. Tôi cũng đã sắp xếp cho vợ về quê lúc con mới 4 tháng tuổi. Nhưng bây giờ cứ mỗi lần muốn về quê là lại kiếm chuyện với mẹ chồng và tôi là người chịu hết hậu quả. Ko còn tâm trí để đi làm lúc nào cũng hồi hộp lo sợ vợ ẵm con về quê. Nay tôi muốn làm đơn ly hôn và giành quyền nuôi con. Ông bà nội là chủ vựa cá thu mua hải sản nên hầu như lo hết tiền sữa và quần áo cho cháu. Vợ tôi không đi làm gì hết mỗi tháng tôi đưa cho vợ 500-1 triệu cộng thêm tiền chơi huê gần 1 triệu nữa. Ăn sáng thì tôi mua. Nói chung là vợ chồng tôi không tốn chi phí sinh hoạt. Tiền dư vợ tôi gửi về chăm sóc cho con riêng ngoài quê. Ông bà ngoại ngoài quê thì làm bánh tráng. Tôi muốn hỏi như vậy thì tỉ lệ tôi giành quyền nuôi con cao không. 

Trả lời tư vấn: Chào anh,  yêu cầu hỗ trợ của anh chúng tôi đã tư vấn trường hợp tương tự sau đây:

>> Cha giành quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi

Hiện tại, vợ anh đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, do đó tại thời điểm này anh không có quyền yêu cầu đơn phương ly hôn. Nếu anh muốn ly hôn thì có thể thỏa thuận với người vợ, hoặc thực hiện quyền đơn phương ly hôn sau khi con a/c đã đủ 12 tháng tuổi. 

Về việc giành quyền nuôi con, do con anh dưới 36 tháng tuổi nên vợ anh sẽ được ưu tiên trực tiếp nuôi dưỡng con. 

Anh tham khảo để giải đáp thắc mắc của mình!

---

- Yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi con đủ 36 tháng tuổi

Câu hỏi: Xin chào Minh Gia, Hiện tôi lấy chồng được 2 năm và đang mang bầu được 2 tháng. Vợ chồng tôi thường xuyên cãi nhau, chồng tôi không làm lương thấp hơn tôi và không lo đủ cho chi phí gia đình, mọi thứ từ khi cưới toàn tôi lo hết. Từ khi tôi mang thai chồng tôi thường đi đến 12h đêm mới về, sau đó còn không cho tôi ngủ. Gia đình chồng biết tôi mang bầu cũng không hỏi han gì dù là cháu đích tôn. Tôi muốn ly dị, nhưng chồng tôi nói cho tôi nuôi con đến 3 tuổi, sau đó chồng tôi sẽ dành quyền nuôi con. Xin cho tôi hỏi, vậy sau khi con tôi 3 tuổi chồng tôi có được dành quyền nuôi con không? Xin cảm ơn!

Trả lời tư vấn: Chào bạn, yêu cầu hỗ trợ của bạn chúng tôi đã tư vấn trường hợp tương tự sau đây:

>> Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn

Tại thời điểm ly hôn, con chị dưới 36 tháng tuổi nên chị sẽ được ưu tiên trực tiếp nuôi dưỡng con. Nếu cha cháu bé muốn thay đổi người trực tiếp nuôi con thì phải chứng minh được chị không còn đủ khả năng nuôi dưỡng con, như: các điều kiện về thu nhập, thời giờ chăm sóc con, sức khỏe, tư cách đạo đức, môi trường sống....không đủ điều kiện để trực tiếp muôi dưỡng con. 

Trên đây là nội dung tư vấn về: Ly hôn khi vợ đang nuôi con 6 tháng tuổi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn ly hôn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo