Luật sư Phùng Gái

Xử phạt đơn vị giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng của người lao động?

Câu hỏi tư vấn:Tôi làm cho công một công ty 3 tháng, chưa ký hợp đồng lao động. Khi mới vào làm công ty bắt tôi phải nộp bản chính bằng đại học để giữ bằng và lương tháng đầu tiên công ty giữ lại. Sau hơn 1 tháng công ty có đưa hợp đồng kêu tôi ký, nhưng vì hỏi mức lương công ty chưa trả lời nên tôi không ký và tôi nói đến khi biết mức lương cụ thể rồi ký.

 

Sau 3 tháng làm việc, tôi thấy không phù hợp với công việc vì công ty trả lương thấp và làm việc nhiều nên tôi làm đơn xin nghỉ việc. Công ty yêu cầu tôi phải nộp đơn nghỉ việc trong thời gian 3 tháng để giải quyết, nếu tôi nghĩ việc trước thời gian đó thì công ty không trả 2 tháng lương, và sau 3 tháng nghĩ việc công ty mới trả lại bằng đại học. Giờ tôi tìm được công việc mới, tôi làm đơn nộp xin nghĩ việc sau 1 tuần. Công ty không giải quyết lương và bằng cho tôi.

 

Vậy xin hỏi luật sư, công ty làm vậy có đúng không? tôi phải làm gì để được quyền lợi người lao động. Mong luật sư tư vấn dùm tôi. Xin chân thành cám ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Giam, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, liên quan tới giao kết hợp đồng lao động. 

 

Theo thông tin cung cấp thì bạn làm việc cho đơn vị được 3 tháng nhưng chưa ký hợp đồng lao động. Nên trong trường hợp này có thể xác định có thời gian thử việc nhưng thời gian thử việc theo quy định tối đa là 2 tháng. Do đó, khi hết 2 tháng bạn vẫn làm việc cho đơn vị tức đã giao kết hợp đồng lao động, tuy nhiên chưa thể xác định chính xác loại hợp đồng lao động mà bạn giao kết là hợp đồng không xác đinh thời hạn, xác định thời hạn. Nhưng thời hạn báo trước tối đa khi chấm dứt hợp đồng lao động mà bạn phải thông báo là không quá 45 ngày làm việc (đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn). Cụ thể, Điều 37 Bộ luật lao động:

 

Điều 37. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

....

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:

 

a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;

 

b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;

 

c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

 

3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

 

Như vậy, việc đơn vị áp dụng thời hạn báo trước 3 tháng là không phù hợp với quy định của pháp luật nên bạn không phải thực hiện nghĩa vụ báo trước này mà chỉ cần báo trước 45 ngày (hợp đồng không xác định thời hạn); 30 ngày (hợp đồng lao động xác định thời hạn).

 

-Đối với việc giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng của người lao động. Theo quy định tại Điều 20 Bộ luật lao động

 

Điều 20. Những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động

 

1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

 

2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

 

Như vậy, đơn vị giữ bản chính bằng cấp của bạn và giữ lương của bạn là trái quy định pháp luật. Do đó, để đảm bảo quyền lợi của mình thì bạn có quyền làm đơn khiếu nại buộc đơn vị trả lại bằng cấp và tiền lương giữ của mình. Trong trường hợp đơn vị không giải quyết thì bạn có quyền là đơn khiếu nại tới trực tiếp phòng lao động thương binh và xã hội để xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm và buộc họ giải quyết quyền lợi của minh. 

 

Theo đó, với hành vi vi phạm trên thì đơn vị của bạn sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 20.000.000 đến 25.000.000 đồng theo quy định tại Nghị định số 88/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội...Cụ thể:

 

Điều 5. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động

...

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

 

a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động;

 

b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động;

 

c) Giao kết hợp đồng lao động với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động.

 

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

 

a) Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này;

 

b) Buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.”

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Xử phạt đơn vị giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng của người lao động?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV P.Gái - công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo