LS Trần Khánh Thương

Tỷ lệ hưởng lương hưu tính thế nào?

Để được hưởng chế độ hưu trí, người lao động phải đáp ứng được những điều kiện hưởng nhất định. Vậy những điều kiện hưởng chế độ hưu trí hiện nay bao gồm những điều kiện gì? Mức hưởng chế độ hưu trí khi nghỉ hưu trước tuổi là bao nhiêu % và được tính như thế nào? Để được giải đáp cụ thể quý khách có thể liên hệ đến công ty Luật Minh Gia hoặc tham khảo nội dung chúng tôi đã tư vấn dưới đây:

Nội dung câu hỏi: Chào Luật Minh Gia, tôi năm nay 50 tuổi có thời gian tham gia công tác tham gia bảo hiểm xã hội là 20 năm 10 tháng Luật Minh Gia tư vấn giùm: Tôi muốn nghỉ hưu trước tuổi vào năm nay thì tỷ lệ hưởng bhxh tính lương hưu của tôi là bao nhiêu?

- Năm 1984 đến 1987 tôi làm công ty nhà nước hưởng mức lương: 38 đồng;

- Năm 1987 đến 1991 tôi được công ty cử đi học - năm 2001 đến 2003 tôi làm công ty nhà nước hưởng mức lương: 1950 đồng;

- Năm 2004 đến 2016 tôi làm công ty TNHH hưởng lương do người sử dụng lao động trả.

Tôi muốn hỏi như vậy mức lương tôi sẽ được hưởng khi nghỉ hưu sẽ tính như thế nào ??? Từ năm 2004 đến 2007 mức lương đóng BHXH của tôi rất thấp (500 nghìn đến 700 nghìn) như vậy cũng cộng vào để tính bình quân hay còn cách tính khác nữa. Tôi rất mong nhận được sự hợp tác giúp đỡ tư vấn của Luật Minh gia.!

Trả lời: Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với trường hợp anh đang vướng mắc Luật Minh Gia tư vấn như sau:

Thứ nhất, về điều kiện nghỉ hưu trước tuổi:

Theo quy định tại Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội 2014 và quy định tại Điều 169 Bộ luật lao động 2019 thì người lao động được hưởng chế độ hưu trí khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Đã đóng từ đủ 20 năm bảo hiểm xã hội trở lên;

- Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định;

- Với trường hợp nghỉ hưu trước tuổi, người lao động còn phải đáp ứng được tỷ lệ suy giảm khả năng lao động theo quy định.

Tại Điểm b Khoản 1 Điều 219 Bộ luật lao động 2019 có quy định về tuổi nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động như sau:

“1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 54 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có tuổi thấp hơn tối đa 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động khi bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%;

b) Có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động khi bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
c) Có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

…”

Đối chiếu quy định tại Khoản 2 Điều 169 Bộ luật lao động 2019 quy định như sau:

“2. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.”

Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên thì năm 2021 tuổi nghỉ hưu trước tuổi đối với lao động nam là 55 tuổi 03 tháng nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81% hoặc 50 tuổi 03 tháng nếu bị suy giảm từ 81% khả năng lao động trở lên. Sau đó mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam.

Đối chiếu với trường hợp của anh, hiện tại anh 50 tuổi, chưa đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu theo quy định. Để được hưởng chế độ hưu trí theo diện nghỉ hưu trước tuổi anh cần đủ 50 tuổi 03 tháng trong năm 2021 hoặc 50 tuổi 06 tháng trong năm 2022 và bị suy giảm 81% khả năng lao động trở lên.

Thứ hai, về tỷ lệ hưởng hưu trí:

Tại Điều 56 Luật bảo hiểm xã hội 2014 có quy định về mức lương hưu hàng tháng như sau:

“2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:

a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;

b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

3. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.

…”

Căn cứ theo quy định nêu trên và đối chiếu với trường hợp của anh, anh đóng bảo hiểm được 20 năm 10 tháng, thời gian này được làm tròn thành 21 năm để tính chế độ hưu trí. Theo đó, mức hưởng hưu của anh khi anh hưởng hưu trong năm 2021 được tính như sau:

19 năm đầu tham gia BHXH = 45%, 2 năm tham gia BHXH còn lại = 2*2 = 4%.

Tỷ lệ hưởng lương hưu của anh là 49% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Tuy nhiên, do anh nghỉ hưu trước tuổi do dó anh sẽ bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi bị trừ 2%. Nếu anh nghỉ hưu trong năm 2021 khi anh đủ 50 tuổi 03 tháng thì anh đang nghỉ hưu trước tuổi là 10 tuổi so với quy định, mức hưởng hưu trước tuổi của anh sẽ bị trừ đi 20%.

Mức hưởng hưu trước tuổi của anh là 29% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Thứ ba, về mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH:

Theo thông tin anh cung cấp, xác định anh có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của hai giai đoạn, một giai đoạn hưởng lương theo ngân sách nhà nước từ năm 1984 đến năm 2003 và một giai đoạn hưởng lương từ người sử dụng lao động (từ năm 2004 đến năm 2016). Việc tính mức bình quân tiền lương hưu của anh được quy định tại Khoản 3 Điều 20 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH cụ thể:

MBQTL = (Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định + Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của các tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương cho người sử dụng lao động quyết định) : Tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội.        

- Về mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội theo quy định Nhà nước:

Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP thì người lao động có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

- Về mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm theo quy định của người sử dụng lao động quyết định:

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 9 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP thì đối với thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian. Do đó, thời gian tham gia bảo hiểm của anh giai đoạn 2004 đến 2007 vẫn được cộng vào để tính mức bình quân tiền lương hưu cùng với các thời gian khác.

Tuy nhiên, trong quá trình tính bình quân tiền lương hưởng chế độ hưu trí, cơ quan có thẩm quyền có tính thêm hệ số điều chỉnh tiền lương tương ứng với từng thời kỳ tham gia bảo hiểm của người lao động. Mức điều chỉnh tiền lương hiện tại căn cứ theo quy định tại Thông tư 23/2020/TT-BLĐTBXH. Do đó, thời gian đóng bảo hiểm của anh sẽ được nhân với hệ số điều chỉnh khi tính lương hưu. Ngoài ra, mức lương hưu tối thiểu của người lao động tham gia BHXH bắt buộc sẽ bằng lương cơ sở (lương cơ sở năm 2021 là 1.490.000 đồng).

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo