Nguyễn Thị Thùy Dương

Có được đăng ký thời hạn tham gia BHXH cho nhân viên không?

BHXH là chế độ phúc lợi mà người lao động làm việc trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động. Theo đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHXH cho người lao động theo đúng quy định pháp luật.

1. Có được đăng ký thời hạn tham gia BHXH cho nhân viên không?

Tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc như sau:

“1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động […]”

Bên cạnh đó, Điều 21 của Luật này cũng quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động như sau:

“1. Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.

2. Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.

[…]

5. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật […]”

Như vậy, nhân viên (người lao động) là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Người sử dụng lao động có trách nhiệm lập đóng BHXH cho nhân viên theo quy định trong suốt quá trình thực hiện lao động. Hay nói cách khác, người lao động có trách nhiệm đóng BHXH cho người lao động từ khi bắt đầu làm việc (chính thức) cho đến khi người lao động nghỉ việc.

Hơn nữa, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và những văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định đề cập đến thời hạn đóng BHXH bắt buộc. Do đó, người sử dụng lao động không thể đăng ký thời hạn tham gia BHXH cho nhân viên mà phải đóng BHXH cho đến khi chấm dứt HĐLĐ hoặc nhân viên không còn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. 

2. Giải quyết tình huống: Đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì phải làm sao?

Câu hỏi tư vấn: Chào luật sư! Xin luật sư vui lòng cho tôi hỏi vấn đề sau: Tôi có chị dâu năm nay 41 tuổi mới tham gia BHXH (Công ty chị tôi làm giờ mới tham gia BHXH) Công ty lại chỉ đăng ký đóng cho CNV 15 năm. Vậy luật sư cho tôi hỏi:

1. Khi hết tuổi lao động, hoặc khi nghỉ làm tại công ty do tuổi cao mà thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm để hưởng chế độ hưu trí. Vậy chị tôi có thể xin đóng nốt 1 lần đủ cho 20 năm để hưởng chế độ lươn hưu có được không?

2. Công ty chỉ đăng ký đóng BHXH cho CNV 15 năm, vậy sau 15 năm nếu vẫn còn làm việc tại công ty đó thì thế nào vì chưa đủ 20 năm tham gia BHXH?

Rất mong nhận được trả lời của Luật sư.

Nội dung tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi cho Luật Minh Gia. Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về việc đóng BHXH chưa đủ 20 năm

Điều 73 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng lương hưu đối với chế độ BHXH tự nguyện như sau:

“Điều 73. Điều kiện hưởng lương hưu

1. Người lao động hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;

b) Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.

2. Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.”

Như vậy, trong trường hợp chị dâu của bạn từ đủ 55 tuổi trở lên mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu thì có thể lựa chọn đóng BHXH cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Về phương thức đóng, Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định như sau:

“1. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:

a) Đóng hằng tháng;

b) Đóng 03 tháng một lần;

c) Đóng 06 tháng một lần;

d) Đóng 12 tháng một lần;

đ) Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;

e) Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

2. Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo một trong các phương thức quy định tại các Điểm a, b, c, d và đ Khoản 1 Điều này cho đến khi thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều này.”

Theo đó, chỉ trong trường hợp thời gian đóng BHXH của chị dâu bạn còn thiếu không quá 10 năm thì mới được đóng 1 lần cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Thứ hai, về việc sau khi đóng BHXH đủ 15 năm nhưng vẫn tiếp tục làm việc tại công ty

Theo phân tích tại Phần 1 (nêu trên) và Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHXH cho người lao động theo từng tháng trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng cho đến khi hợp đồng lao động chấm dứt. Như vậy, khi chị dâu bạn đã đóng BHXH đủ 15 năm nhưng vẫn tiếp tục làm việc tại công ty thì công ty vẫn phải có trách nhiệm đóng BHXH cho chị dâu bạn theo quy định pháp luật.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo