Luật sư Lê Văn Chức

Hệ số lương của nhân viên lái xe sau khi chuyển ngạch chuyên viên

Cơ quan tôi là đơn vị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước huyện có một nhân viên lái xe đang hưởng lương bậc cuối của bảng thang lương áp dụng cho Lái Xe là 4.03. Người này đi học Tại chức và đã có bằng tốt nghiệp và muốn chuyển xếp lương lên ngạch chuyên viên. Vậy, anh ta có phải thi chuyển ngạch không? hệ số lương của người này khi chuyển nghạch là gì?


Xin chào Luật sư! xin tư vấn dùm hiện cơ quan tôi là đơn vị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước huyện có một nhân viên lái xe đang hưởng lương bậc cuối của bảng thang lương áp dụng cho Lái Xe là 4.03. Người này đi học Tại chức và đã có bằng tốt nghiệp ngành Tài chính kế toán và có nguyện vọng muốn chuyển xếp lương từ công việc lái xe lên ngạch chuyên viên,Xin cho hỏi trường hợp này khi thay đổi công việc từ lái xe lên chuyên viên tài chính kế toán thì áp dụng vào ngạch ,bậc nào và áp dụng hệ số lương là bao nhiêu cho phù hợp? Cơ quan áp dụng hệ số 2.34 , bậc 1 ( theo ngạch chuyên viên) để tính tiền lương cho công việc mới được chuyển xếp của người này có đúng không? và người này có phải thi chuyển ngạch theo quy định không? Xin cảm ơn !

Hệ số lương của nhân viên lái xe sau khi chuyển ngạch chuyên viên


Nội dung tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi nội dung yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với những thắc mắc của bạn, chúng tôi xin đưa ra ý kiến tư vấn như sau:

Thứ nhất, về việc thi nâng ngạch.
Tại Điều 7 Thông tư 11/2014/TT-BNV Quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn các ngạch công chức chuyên ngành hành chính có quy định về ngạch chuyên viên như sau:
 
“Điều 7. Ngạch chuyên viên
 
1. Chức trách
 
Là công chức hành chính có yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ cơ bản về một hoặc một số lĩnh vực trong các cơ quan, tổ chức hành chính từ cấp huyện trở lên, có trách nhiệm tham mưu, tổng hợp và triển khai thực hiện chế độ, chính sách theo ngành, lĩnh vực hoặc địa phương.
 
2. Nhiệm vụ
 
a) Xây dựng kế hoạch, quy hoạch, các quy định cụ thể để triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực; tham gia xây dựng cơ chế, các quyết định cụ thể của từng nội dung quản lý theo quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế;
 
b) Nghiên cứu giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu trình cấp có thẩm quyền quyết định xử lý các vấn đề cụ thể; phối hợp với các đồng nghiệp thực hiện các công việc có liên quan;
 
c) Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và đề xuất các biện pháp để thực hiện các quy định hoặc quyết định quản lý đạt kết quả;
 
d) Tham gia kiểm tra, thu thập thông tin, thống kê, quản lý hồ sơ, lưu trữ tư liệu, số liệu nhằm phục vụ cho công tác quản lý nhà nước được chặt chẽ, chính xác, đúng nguyên tắc;
 
đ) Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan và phối hợp với các công chức khác triển khai công việc, làm đúng thẩm quyền và trách nhiệm được giao;
 
e) Tổng hợp tình hình, tiến hành phân tích tổng kết, đánh giá hiệu quả công việc và báo cáo cấp trên;
 
g) Tập hợp ý kiến phản ánh của nhân dân về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực được giao theo dõi để nghiên cứu đề xuất cấp trên. Trực tiếp thực thi thừa hành công vụ, nhiệm vụ và thực hiện các nhiệm vụ khác khi được cấp trên giao.
 
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
 
a) Nắm vững các quy định của pháp luật, chế độ chính sách của ngành, lĩnh vực và các kiến thức cơ bản về lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ được giao;
 
b) Hiểu rõ các mục tiêu và đối tượng quản lý, hệ thống các nguyên tắc và cơ chế quản lý của nghiệp vụ thuộc phạm vi được giao; hiểu được những vấn đề cơ bản về khoa học tâm lý, khoa học quản lý; tổ chức khoa học quản lý;
 
c) Nắm rõ quy trình xây dựng các phương án, kế hoạch, các quyết định cụ thể và có kiến thức am hiểu về ngành, lĩnh vực được giao; có kỹ năng soạn thảo văn bản và thuyết trình các vấn đề được giao nghiên cứu, tham mưu;
 
d) Có phương pháp nghiên cứu, tổng kết và đề xuất, cải tiến nghiệp vụ quản lý; có năng lực làm việc độc lập hoặc phối hợp theo nhóm; có năng lực triển khai công việc bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả;
 
đ) Am hiểu thực tiễn, kinh tế - xã hội về công tác quản lý đối với lĩnh vực được giao; nắm được xu hướng phát triển của ngành, lĩnh vực ở trong nước;
 
e) Công chức dự thi nâng ngạch chuyên viên thì phải có thời gian giữ ngạch cán sự hoặc tương đương tối thiểu là 3 năm (36 tháng). Trường hợp đang giữ ngạch nhân viên thì thời gian giữ ngạch nhân viên hoặc tương đương tối thiểu là 5 năm (60 tháng).
 
4. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
 
a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với chuyên ngành đào tạo phù hợp với ngành, lĩnh vực công tác;
 
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên;
 
c) Có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 2 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc;
 
d) Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin”. 
 
Như vậy, căn cứ vào quy định như trên, nhân viên lái xe đó phải đăng ký dự thi nâng ngạch và phải đáp ứng thời gian giữ ngạch nhân viên hoặc tương đương tối thiểu là 5 năm (60 tháng).

Thứ hai, về việc áp dụng bậc lương, hệ số lương cho nhân viên sau khi được nâng lên ngạch chuyên viên.

Theo quy định tại Thông tư số 02/2007 Hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức quy định:
“a) Trường hợp chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.


b) Trường hợp đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ, thì căn cứ vào tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới.


c) Trường hợp có tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ lớn hơn hệ số lương ở bậc cuối cùng trong ngạch mới, thì xếp vào hệ số lương ở bậc cuối cùng trong ngạch mới và được hưởng thêm hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm nhiên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ”.

Như vậy, việc xếp bậc lương cho nhân viên lái xe sau khi được nâng ngạch chuyên viên tại cơ quan bạn phải căn cứ vào việc nhân viên này có đang được hưởng phụ cấp thâm niên không và một điều chắc chắn là dù có đang được hưởng phụ cấp thâm niên hay không thì sau khi được nâng ngạch chuyên viên thì hệ số lương trong ngạch chuyên viên phải thuộc bậc có hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Vậy, việc cơ quan bạn xếp hệ số lương là 2.34 , bậc 1 ( theo ngạch chuyên viên) thấp hơn hệ số lương 4.03, bậc 12 ( theo ngạch nhân viên lái xe) là hoàn toàn sai theo quy định pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hệ số lương của nhân viên lái xe sau khi chuyển ngạch chuyên viên. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV: Tạ Nga - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo