LS Vy Huyền

Lái xe trong khi say gây tai nạn xử lí thế nào

Luật sư tư vấn về trường hợp lái xe khi say rượu gây hậu quả nghiêm trọng. Nội dung tư vấn như sau:

 

Chào luật sư, hiện tại em có một vài thắc mắc rất mong có được sự giải đáp của luật sư ạ. Anh trai em hiện đang làm bảo vệ trong ngân hàng chính sách của huyện. Hiện đang có một vợ đang mang thai và một con gái 10 tuổi, đang nuôi cha ruột . Lúc kí hợp đồng làm việc thì chỉ có ghi công việc là làm bảo vệ, nhưng khi được biết anh em có bằng lái xe ô tô nên giám đốc ngân hàng đã giao cho anh em công việc lái xe đưa đón lãnh đạo ngân hàng lên tỉnh (công việc không được ghi trong hợp đồng) với mức lương 2,5tr đồng. Hôm đó là chủ nhật, ngày nghỉ của anh em, nhưng giám đốc lại kêu anh em lái xe chở giám đốc lên tỉnh sửa xe. Lên đến nơi thì giám đốc có đi nhậu với bạn và rủ anh em uống chung nhưng anh em uống khá ít. Khi về, do trưa không được ngủ, nên khi lái xe đã ngủ gật, và tung vào cặp vợ chồng đi mua ốc vỉa hè. Người chồng chết tại chỗ, vợ bị thương nhẹ và người bán hàng thì bị tấm mái tôn cứa vào cổ đã được đưa vào bệnh viện. Sáng hôm sau, anh em có ra đầu thú và đã lo cho gia đình bên bị hại 40tr đồng. Gia đình bị hại có người chồng là Việt kiều Nhật đang về nước thăm vợ chuẩn bị sang. Với trường hợp của anh trai em thì sẽ bị xử phạt như thế nào ạ? Trường hợp hành động của vị giám đốc ngân hàng giao nhiệm vụ cho nhân viên vào ngày nghỉ, cũng như việc bắt anh trai em phải lái xe đưa đón lãnh đạo ngân hàng mà không có trong hợp đồng lao động có vi phạm pháp luật không ạ? Trong trường hợp người bán hàng bị tấm mái tôn rơi xuống cứa vào cổ, có bị quy vào tội gây tại nạn của anh trai em không? Hiện tại, gia đình em rất bối rối và không có khả năng bồi thường thêm về những thiệt hại trên. Rất mong luật sư có thể giải đáp sớm giúp em về vụ việc này ạ. Cảm ơn đã đọc mail của em.

 

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về công ty luật Minh Gia. Với yêu cầu trợ giúp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về trách nhiệm hình sự mà anh trai bạn có thể chịu

 

Căn cứ thông tin bạn cung cấp, trong trường hợp này, anh trai bạn là người có lỗi trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông gây gậu quả chết người. Do đó, anh trai bạn có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 như sau:

 

“Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

 

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

 

a) Làm chết người;

 

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

 

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

 

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

...”

Ngoài trách nhiệm hình sự phải chịu theo quy định nêu trên, anh trai bạn còn phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định tại Điều 590, Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015do hành vi xâm phạm sức khỏe, tính mạng của người khác như sau:

 

“Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

 

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

 

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

 

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

 

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

 

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

 

“Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

 

1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

 

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

 

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

 

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

 

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

 

Thứ hai, về việc lãnh đạo ngân hàng yêu cầu anh bạn đi làm vào ngày nghỉ thì anh bạn có đồng ý hay không. Bởi lẽ đó là ngày nghỉ của anh bạn, nếu huy động người lao động làm việc ngoài thời gian đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì đây sẽ được xác định là làm thêm giờ. Và theo quy định tại Điều 106 Bộ luật Lao động 2012 thì việc sử dụng người lao động làm thêm giờ phải được sự đồng ý của người lao động:

 

“Điều 106. Làm thêm giờ

 

1. Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.

 

2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Được sự đồng ý của người lao động;

 

b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;

 

c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.”

 

Trường hợp lãnh đạo ngân hàng yêu cầu anh bạn đi làm mà không được sự đồng ý của anh bạn thì hành vi đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b Khoản 3 Điều 14 Nghị định 95/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 88/2015/NĐ-CP:

 

“Điều 14. Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

...

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

...

b) Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật lao động.

...”

Trường hợp lãnh đạo ngân hàng chuyển anh bạn sang làm công việc khác với hợp đồng lao động mà không có sự đồng ý của anh bạn bằng văn bản thì hành vi đó cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 7 Nghị định 95/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 88/2015/NĐ-CP:

 

“Điều 7. Vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động

...

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

 

a) Bố trí người lao động làm việc ở địa điểm khác với địa điểm làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại Điều 31 của Bộ luật lao động;

 

b) Không nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, trừ trường hợp người sử dụng lao động và người lao động có thỏa thuận khác.

 

c) Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động không đúng lý do, thời hạn hoặc không có văn bản đồng ý của người lao động theo quy định của pháp luật.”

 

Thứ ba, anh trai bạn có phải chịu trách nhiệm với việc người bán hàng bị tấm mái tôn rơi xuống cứa vào cổ hay không thì cần phải xem xét mức độ lỗi của anh trai bạn. Giả sử anh trai bạn vi phạm quy định của luật an toàn giao thông đường bộ (lái xe không chú ý quan sát, có nồng độ cồn trong máu...) đâm vào cột trụ của quán khiến mái tôn bị rơi xuống, cứa vào cổ người bán hàng thì anh trai bạn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại của người bán hàng; do đó, anh bán sẽ phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại của họ. Trường hợp mái tôn đó bị rơi xuống không phải do lỗi của anh mà do yếu tố khách quan như gió thổi, hoặc ốc bắn mái tôn không chắc chắn thì anh trai bạn không phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại đó.

 

Trân trọng,

CV. Đoàn Quỳnh Thơ – công ty luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo