Nguyễn Thị Thùy Dương

Bố mất mẹ muốn đứng tên toàn bộ nhà đất có được không?

Khi bố hoặc mẹ mất thì di sản thừa kế sẽ được chia như thế nào? Trong trường hợp bố mất mẹ muốn đứng tên trên toàn bộ nhà đất có được không? Việc chia thừa kế thế nào để bảo đảm công bằng cho những người có quyền được hưởng thừa kế? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc.

Khi bố mất, sẽ phát sinh vấn đề phân chia di sản thừa kế của người bố. Lúc này cần xác định di sản thừa kế người bố để lại gồm những gì? Là tài sản chung của vợ chồng hay là tài sản riêng của bố. Nếu quyền sử dụng đất là tài sản chung của bố mẹ thì khi bố mất tài sản chung của bố mẹ sẽ chia đôi ½ tài sản thuộc sở hữu của bố, ½ tài sản thuộc sở hữu của mẹ, lúc này di sản thừa kế của bố chỉ là ½ tài sản. Nếu quyền sử dụng đất là tài sản riêng của bố thì toàn bộ mảnh đất sẽ là di sản thừa kế của bố. Để xác định mẹ có được đứng tên toàn bộ nhà đất khi bố mất không cần xác định trong các trường hợp sau:

Trường hợp 1: Bố mất để lại di chúc

Khi bố mất có để lại di chúc hợp pháp thì căn cứ Điều 659 Bộ luật dân sự 2015, quyền sử dụng đất sẽ được chia theo ý chí của bố. Theo đó, nếu bố để lại di chúc cho mẹ toàn bộ quyền sử dụng đất thì mẹ có quyền đứng tên trên toàn bộ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên cần chú ý đến trường hợp có những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc là con chưa thành niên, cha, mẹ; con đã thành niên mà không có khả năng lao động. Những người này vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất đó (theo Điều 644 BLDS).

Trường hợp 2: Bố mất không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp

Khi bố mất không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì quyền sử dụng đất của bố sẽ được phân chia theo quy định của pháp luật. Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định những người được thừa kế theo pháp luật như sau:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

Như vậy, khi bố mất không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì quyền sử dụng đất của bố sẽ được chia đều cho những người được hưởng thừa kế theo pháp luật thuộc hàng thứ nhất bao gồm, vợ, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi. Do đó, trong trường hợp này khi bố mất, mẹ sẽ không được đứng tên trên toàn bộ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trừ trường hợp không còn người thừa kế cùng hàng với mẹ hoặc những người thừa kế cùng hàng với mẹ từ chối hưởng di sản thừa kế hoặc đồng ý tặng cho phần thừa kế của mình để mẹ đứng tên trên Giấy chứng nhận.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo