LS Hoài My

Điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con của LĐ nữ theo quy định hiện hành.

Điều kiện hưởng chế độ thai sản là gì? Mức trợ cấp hưởng chế độ thai sản là bao nhiêu? Đây là những điều mà NLĐ cần hiểu rõ khi có ý định sinh con để không bị mất quyền lợi của mình.

Bạn có ý định sinh con và muốn tìm hiểu các quy định pháp luật về chế độ thai sản, bạn hãy gửi câu hỏi tư vấn đến Luật Minh Gia hoặc Gọi: 1900.6169chúng tôi sẽ hỗ trợ cho bạn. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống mà Luật Minh Gia tư vấn sau đây:

Câu hỏi tư vấn: Xin chào Luật Sư. Em có 1 vài thắc mắc muốn hỏi về vấn đề thai sản. Hiện tại em đang có bầu được hơn 3 tháng. Dư sinh là giữa tháng 6/ 2020. Trước đó em đã đóng bảo hiểm được 7 năm. Sau đó em nghỉ 1 thời gian (có việc nhà) và lãnh bảo hiểm thất nghiệp (7 tháng). Hiện tại em đang làm cho 1 công ty khác và đã đóng bảo hiểm tháng 8, 9, 10, 11. - Nếu cty đóng bảo hiểm đến hết tháng 12 thì đóng cửa văn phòng, sau đó em nhờ công ty bạn đóng bảo hiểm thêm cho em 1, 2 tháng nữa (có thể là tháng 3, 4 gì đó, nói chung là k liên tục), thì không biết có được không, nếu vậy có ảnh hưởng gì đến công ty bạn em không? Vì lương em đang khá cao, mà nếu qua cty bạn em, thì đóng rất thấp. Và thai sản em được tính như thế nào ạ?- Nếu cty đóng bảo hiểm đến hết tháng 1 cho em thì đóng cửa, vậy em có được hưởng chế độ thai sản không, vì từ lúc công ty đóng cửa đến khi em sinh thì còn tận 5 tháng lận. Có ảnh hưởng gì k ah? Và em hưởng chế độ thai sản ntn?

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi lời đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định Điều kiện hưởng chế độ thai sản:

“1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lao động nữ mang thai;

b) Lao động nữ sinh con;

c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này”.

Và khoản 1 Điều 9 TT 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định:

“1. Thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được xác định như sau:

a) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

b) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này”.

Theo quy định pháp luật nêu trên, điều kiện hưởng chế độ thai sản khi lao động nữ sinh con là phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con hoặc phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con trong trường hợp người lao động nữ khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

Trong trường hợp của bạn, bạn dự kiến sinh vào giữa tháng 6/2020 (ví dụ 16/6/2020 bạn sinh con) và tháng 6/2020 không tham gia bảo hiểm xã hội thì thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 6/2019 đến tháng 5/2020, nếu trong thời gian này bạn đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên hoặc từ đủ 3 tháng trở lên trong trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bện, chữa bệnh có thẩm quyền thì bạn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

Tuy nhiên theo thông tin bạn cung cấp, bạn đã tham gia bảo hiểm từ tháng 8/2019 đến tháng 12/2019 và sau đó nghỉ việc, công ty không đóng bảo hiểm cho bạn nữa, tính ra bạn mới tham gia được 5 tháng bảo hiểm bắt buộc. Nếu như sau khi nghỉ việc bạn có nhờ được công ty khác tham gia bảo hiểm bắt buộc cho bạn thêm 1 đến 2 tháng nữa thì bạn đủ 6 tháng tham gia bảo hiểm bắt buộc (thời gian đóng bảo hiểm để hưởng chế độ thai sản không bắt buộc phải liên tục, có thể ngắt quãng). Như vậy bạn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.

Về chế độ hưởng thai sản, tại Điều 38 và Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:

"Điều 38. Trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi

Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.

Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.

Điều 39. Mức hưởng chế độ thai sản

1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:

a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội";

Như vậy, khi bạn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì bạn sẽ được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con và được hưởng trợ cấp hàng tháng khi sinh con (tổng 6 tháng), mức hưởng mỗi tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169