Trần Phương Hà

Thừa kế đất có nguồn gốc ông bà như thế nào?

Chào Luật Sư! Luật sư vui lòng giúp tôi câu hỏi về chia tài sản thừa kế của ông bà như sau : Gia đình ngoại tôi có 4 người con gái . Trong đó dì cả , dì thứ hai và mẹ tôi lập gia đình và ra ở riêng, còn dì út thì không có gia đình và ở với ông bà ngoại cho đến giờ. Trong số 4 người thì dì cả tôi vì bệnh nên mất sớm, sau đó dượng cũng mất và dì có 1 người con.

Sau đó mẹ tôi vì bệnh nên cũng mất sớm, riêng tôi được ông bà ngoại đem về nuôi và nhập hộ khẩu theo gia đình ngoại bao gồm 4 người: ông bà ngoại, dì út và tôi. Ông bà ngoại tôi có một mảnh đất rộng, khi ông bà ngoại qua đời không lập di chúc, chỉ viết một tờ giấy giao quyền trông coi cho dì út và dì phải nuôi dưỡng tôi lúc nên người và có sự làm chứng cùa 2 người cùng kí tên. Vậy tôi muốn hỏi luật sư nếu trong trường hợp tờ giấy đó thất lạc, lúc đó sẽ coi như không có di chúc. Trong trường hợp này nếu có tranh chấp thì mảnh đất đó sẽ phân chia như thế nào gồm 2 cháu với 2 dì còn lại, trong trường hợp nếu về già một trong hai người qua đời trước thì tài sản đó sẽ thuộc về ai, dì út coi tôi như con nên nói phần của dì sẽ cho tôi và nói dì không có con mà nuôi cháu thì cũng coi như con nên không cần lập di chúc thì trong trường hợp này quyền sở hữu có thể xảy ra về sau sẽ như thế nào giữa tôi và dì thứ hai . Xin cảm ơn!

Trả lời: 

Chào chị, cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, về vấn đề của chị chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Thứ nhất, về chia di sản thừa kế của ông bà cho các đồng thừa kế.

"Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc; …"

>> Tư vấn chia thừa kế từ ngồn gốc ông bà, gọi: 1900.6169

Như chị trình bày, ông bà chị mất mà không để lại di chúc. Vậy, di sản thừa kế của ông bà để lại sẽ thực hiện chia thừa kế theo pháp luật.

Quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:

"Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại. 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản"

Theo quy định tại Điều 651 BLDS 2015, hàng thừa kế sẽ bao gồm 4 người con của ông bà và mỗi người được hưởng một phần di sản thừa kế bằng nhau (toàn bộ di sản thừa kế của ông bà sẽ đem chia cho 4). 

Tuy nhiên, theo nội dung chị trình bày thì dì cả và mẹ chị đều mất trước ông bà. Vậy, phần di sản thừa kế đáng ra mẹ và dì được hưởng nếu còn sống sẽ chia cho các con của dì và mẹ (tức chị sẽ được hưởng phần của  mẹ).

Điều 652 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thừa kế thế vị như sau:

"Thừa kế thế vị

Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống."

Trong trường hợp này để tránh có tranh chấp về sau, chị cùng với các đồng thừa kế nên thoả thuận với nhau về việc phân chia di sản, việc thoả thuận này chị nên lập thành văn bản và công chứng để cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyển quyền sử dụng đất, đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với người được hưởng di sản. Nếu như không thoả thuận được thì chị có thể yêu cầu Toà án nhân dân giải quyết.

Thứ hai, chị trình bày: "dì út coi tôi như con nên nói phần của dì sẽ cho tôi và nói dì không có con mà nuôi cháu thì cũng coi như con nên không cần lập di chúc thì trong trường hợp này quyền sở hữu có thể xảy ra về sau sẽ như thế nào giữa tôi và dì thứ hai".

Đối với trường hợp này, để đảm bảo quyền lợi của chị thì dì út nên lập di chúc định đoạt tài sản cho riêng bạn. Bởi, mặc dù dì út và chị coi nhau như mẹ con nhưng về mặt pháp lý thì hai người vẫn có quan hệ dì cháu ruột, nên khi chia theo pháp luật thì dì thứ hai sẽ được hưởng (dì thứ hai thuộc hàng thừa kế thứ 2, chị thuộc hàng thừa kế thứ ba).

Thứ ba, đối với thoả thuận giữa ông bà và dì út của chị trong việc giao quyền trông coi tài sản. Thỏa thuận được xác định là hợp đồng uỷ quyền, và theo quy định của BLDS 2015 thì hợp đồng uỷ quyền sẽ bị chấm dứt khi một bên trong hợp đồng chết.

Điều 422  Bộ luật dân sự 2015 quy định về chấm dứt hợp đồng như sau:

"Chấm dứt hợp đồng

Hợp đồng chấm dứt trong trường hợp sau đây:

3. Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện;"

Vậy, di sản thừa kế của ông bà sẽ được chia như chúng tôi phân tích trên.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn