Trần Diềm Quỳnh

Trình tự thủ tục chấm dứt Hợp đồng lao động

Chấm dứt quan hệ lao động được hiểu là các bên sẽ chấm dứt không tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng lao động. Đây là vấn đề phổ biến diễn ra trong hầu hết các doanh nghiệp có sử dụng lao động.

1. Luật sư tư vấn luật lao động

Việc chấm dứt quan hệ lao động có nhiều trường hợp chấm dứt khác nhau, mội trường hợp chấm dứt lại có những điều kiện, thủ tục chấm dứt khác nhau dẫn đến người lao động và người sử dụng lao động thường khá hoang mang trong quá trình áp dụng dẫn đến nhiều trường hợp chấm dứt không phù hợp ảnh hưởng đến cả người lao động và người sử dụng lao động.

Việc hiểu biết các quy định của pháp luật để áp dụng đối với từng trường hợp chấm dứt quan hệ lao động là vô cùng quan trọng. Một trong các hình thức dễ dàng nhất để có them các kiến thức pháp luật, tránh các rủi ro đáng tiếc đó là liên hệ với các đơn vị tư vấn pháp luật để được tư vấn cụ thể.

Công ty Luật Minh Gia tự tin có thể hỗ trợ khách hàng giải đáp các vấn đề liên quan đến pháp luật đặc biệt là pháp luật lao động. Do vậy, quý khách hàng có thể liên hệ với chúng tôi thông qua Email tư vấn hoặc liên hệ trực tiếp qua tổng đài 1900.6169 để được tư vấn cụ thể vấn đề của mình.

2. Trình tự, thủ tục đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Nội dung yêu cầu tư vấn: Xin chào luật sư, cho tôi hỏi thắc mắc về quy định thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động như sau: Đơn vị chúng tôi là đơn vị hành chính sự nghiệp (trường THPT trực thuộc Sở Giáo dục - Đào tạo), được Ngân sách Nhà nước cấp kinh phí hoạt động.

Hiện nay, trường tôi có 3 giáo viên thuộc diện lao động hợp đồng không xác định thời hạn (do hiệu trưởng kí hợp đồng) nhưng do thực trạng đơn vị hiện nay thừa biên chế giáo viên nên buộc phải chấm dứt hợp đồng với 3 giáo viên này (không thể bố trí công việc). Những giáo viên này đã kí hợp đồng với nhà trường được 4-7 năm, nhà trường có đóng bảo hiểm đầy đủ cho những gíao viên này. Xin luật sư tư vấn giúp:

- Trình tự thủ tục để chấm dứt hợp đồng với 3 giáo viên nói trên

- Nhà trường phải thanh toán những khoản tiền gi khi chấm dứt HĐLĐ .

Xin trân trọng cảm ơn!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động 2012, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp sau đây:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;

c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này.”

Nhà trường sẽ được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi thuộc một trong các trường hợp trên và không được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu thuộc một trong các trường hợp được quy định tại điều 39 Bộ luật Lao động 2012.

Về thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động:

Khoản 2 điều 38 Bộ luật Lao động quy định:

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng”.

Điều 47 Bộ luật Lao động quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động:

1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.

4. Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán”

Vậy, trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, nhà trường phải thông báo trước cho người lao động ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn và thực hiện trách nhiệm của mình theo quy định tại điều 47 Bộ luật Lao động.

Các khoản tiền cần thanh toán khi chấm dứt hợp đồng lao động:

Điều 48 Bộ luật Lao động quy định về trợ cấp thôi việc:

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.

Vì vậy, khi chấm dứt hợp đồng lao động, nhà trường cần thanh toán những khoản tiền sau:

1. Khoản tiền lương còn lại của người lao động đã làm việc

2. Khoản trợ cấp thôi việc được tính theo quy định tại điều 48 Bộ luật Lao động

3. Các khoản tiền khác phát sinh liên quan đến quyền lợi của người lao động

>> Tư vấn thắc mắc về chấm dứt HĐLĐ, gọi: 1900.6169

3. Trường hợp hiệu trưởng đơn phương chấm dứt HĐLĐ quy định thế nào?

Câu hỏi: Kính gởi Luật sư, xin luật sư giải đáp giúp: việc HT tự cho nhân viên nghỉ việc là đúng hay sai?  Tôi có 1 người con đang làm cấp dưỡng tại 1 trường tiểu học ở X, con tôi có ký hợp đồng thời gian làm việc từ 01/09/2016 đến 31/05/2017 (9 tháng) trong hợp đồng mỗi tháng là 1.800.000 đồng nhưng sau đó có văn bản cho tất cả ai trong diện hợp đồng khoán được hưởng tiền là 3.500.000 đồng và những ai làm từ khi có văn bản sẽ được truy lãnh thêm cho đủ 3.500.000, thế là Hiệu trưởng (HT) cho con tôi nghỉ việc ( mặc dù con tôi không sai phạm lỗi gì trpng lao động), tôi có hỏi HT thì HT trả lời: Tôi đã báo cho con cô trước 45 ngày rồi - Tôi có quyền sa thải khi chưa dứt hợp đồng là đúng văn bản (thu xếp gọn nhân viên) Vậy xin luật sư tư vấn giúp con tôi nghỉ việc là đúng hay sai? nếu sau khi nghỉ việc con tôi có được hưởng tiền bồi thường hợp đồng hay không? Xin cảm ơn luật sư.

Trả lời:

Điều 38 Bộ luật lao động năm 2012 quy định Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

(Đã được trích dẫn tại phần tư vấn thứ 2)

Tại điều 12 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

“Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động tại các Điểm a và c Khoản 1 Điều 38 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:

1. Người sử dụng lao động phải quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của doanh nghiệp, làm cơ sở đánh giá người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ do người sử dụng lao động ban hành sau khi có ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.

2. Lý do bất khả kháng khác thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Do địch họa, dịch bệnh;

b) Di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”

Vì HĐLĐ của người con có thời hạn 9 tháng nên theo quy định trên, người sử dụng lao động chỉ có quyền chấm dứt HĐLĐ khi có căn cứ theo quy định khoản 1 điều 38 BLLĐ và phải báo trước 3 ngày làm việc.

Nếu hiệu trưởng đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không có căn cứ hoặc không thực hiện thời gian báo trước 03 ngày làm việc thì được coi là đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật. Trách nhiệm của trường học khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật anh/chị có thể tham khảo bài viết sau:

>> Bị doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động giải quyết thế nào?

---

3. Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có phải bồi thường chi phí đào tạo nghề hay không?

Nôi dung cần tư vấn: Xin chào quý công ty! Tôi xin có câu hỏi mong được giải đáp Tôi ký hợp đồng với một công ty năm 2010 thời hạn 12 tháng. Sau đó tôi được cử đi học 2 năm.Tôi ký thêm phụ lục hợp đồng lao động trong đó quy định phải HOÀN TRẢ GẤP ĐÔI SỐ TIỀN LƯƠNG VÀ PHỤ CẤP NẾU KHÔNG HOÀN THÀNH KHOÁ HỌC. Năm 2011 Tôi ký lại HĐ và PLHĐ thời hạn 12 tháng. Năm 2012 Tôi ký tiếp HĐ nhưng không có PLHĐ. Sau khi hoàn thành khoa học tôi về công ty làm việc.Nay tôi muốn nghỉ việc. Xin hỏi tôi sẽ phải đền bù như thế nào. Xin cảm ơn! 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Bộ luật Lao động 2012 quy định:

"Điều 22. Loại hợp đồng lao động

...

2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.

Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn."

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn và công ty đã ký kết ba hợp đồng lao động. Hai hợp đồng lao động đầu là hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 12 tháng. Do đó, theo quy định trên, hợp đồng lao động thứ ba được ký kết giữa bạn và công ty là hợp đồng lao động không xác định thời hạn. 

Về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, khoản 3 Điều 37 Bộ luật này quy định:

"Điều 37. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

...

3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này."

Vì hợp đồng lao động giữa bạn và công ty là hợp đồng lao động không xác định thời hạn nên theo quy định trên, bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và chỉ phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày trừ trường hợp bạn là lao động nữ mang thai, có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chứng nhận tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động và thời hạn mà lao động nữ phải báo trước cho người sử dụng lao động tuỳ thuộc vào thời hạn do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định.

Về việc bồi thường chi phí đào tạo nghề: Việc bồi thường chi phí đào tạo phải căn cứ vào cam kết mà bạn và công ty đã thỏa thuận về các trường hợp bồi thường chi phí đào tạo. Theo thông tin bạn cung cấp, bạn và công ty có thỏa thuận bạn phải "hoàn trả gấp đôi số tiền lương và phụ cấp nếu không hoàn thành khóa học". Tuy nhiên, bạn đã hoàn thành khóa học và đã làm việc tại công ty được một thời gian rồi. Do đó, nếu trong cam kết giữa bạn và công ty có thỏa thuận trong mọi trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động đều phải bồi thường chi phí đào tạo, thì bạn sẽ phải bồi thường chi phí đào tạo theo thảo thuận mà bạn đã cam kết. Trường hợp trong cam kết không có thỏa thuận khi bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải bồi thường chi phí đào tạo thì bạn không phải bồi thường chi phí đào tạo, phía công ty hoàn toàn không có cơ sở để yêu cầu bạn bồi thường chi phí đào tạo khi bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Trên đây là nội dung tư vấn về: Trình tự thủ tục chấm dứt Hợp đồng lao động. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn luật Lao động trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo