Luật sư Vũ Đức Thịnh

Nghỉ việc có phải bồi thường chi phí đào tạo?

Hiện nay nhằm đáp ứng công việc và nâng cao hiệu quả làm việc rất nhiều công ty cử người lao động đi huấn luyện và đào tạo. Khi được đi đào tạo và học tập này thì chi phí sẽ được thỏa thuận và thường do công ty chi trả. Tuy nhiên, người lao động phải bảo đảm đào tạo tốt và cam kết làm việc, cống hiến cho công ty. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều trường hợp người lao động nghỉ việc liên quan đến tranh chấp về các chi phí đào tạo, vậy tranh chấp trên được pháp luật điều chỉnh như thế nào?

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Em có một số thắc mắc về hợp đồng thử việc trường hợp công ty cử đi học việc, do có việc gia đình xin nghỉ việc thì có phải bồi thường chi phí đào tạo không? Cụ thể em bắt đầu được nhận đi làm thử việc công ty A từ 15/5/20xx. Nhưng đến ngày 17/5/20xx công ty gửi em đi Singapore training 2 tuần, về Việt Nam mới bắt đầu làm việc. Em có hỏi hợp đồng thử việc thì anh nhân sự báo 2 tuần sau khi đi về sẽ gửi. Sau đó, em nhận được số tiền 10 triệu công ty ứng cho chuyến đi training. Trước khi đi, em không ký với công ty hợp đồng cam kết đào tạo nào hết. Sau khi đi về, em nhận được hợp đồng thử việc thì có khoản là bàn giao tài sản, thông tin khách hàng đã được giao, bồi thường vi phạm bằng vật chất trường hợp người lao động nghỉ việc với bất kỳ lý do gì. Hiện tại, em muốn xin nghỉ vì lý do gia đình. Vậy khi em nghỉ em có bị buộc phải bồi thường chi phí đào tạo không? Em mong sớm nhận được hồi âm từ Luật Minh Gia.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với nội dung bạn yêu cầu tư vấn, Luật Minh Gia trả lời tư vấn như sau:

Thứ nhất, quy định về chi phí đào tạo

Chi phí đào tạo được tính toán dựa trên các khoản chi có chứng từ hợp lệ về phí của người dạy, tài liệu, công cụ giảng dạy, khoản hỗ trợ sinh hoạt người lao động (nơi ở, phương tiện đi lại, tiền ăn,…) trong quá trình đào tạo. Tiền lương, tiền đóng BHXH cho người lao động trong thời gian học.

Căn cứ Điều 62 Bộ luật lao động quy định về chi phí đào tạo như sau:

1. Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.

Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.”.

Việc cử đi đào tạo và cung cấp khoản chi phí cùng với thỏa thuận trong thời gian trước và sau khi hoàn thành đào tạo cần phải được lập thành văn bản cụ thể. Hợp đồng đào tạo được ký kết riêng không gộp chung vào thành điều khoản của hợp đồng lao động.

Trong hợp đồng đào tạo phải có các nội dung như sau:

- Nghề đào tạo

- Thời gian, địa điểm và tiền lương trong quá trình tham gia đào tạo

- Thời hạn người lao động cam kết phải làm việc sau khi được đào tạo

- Chi phí đào tạo và trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo

- Trách nhiệm của người sử dụng lao động và của người lao động

Thứ hai, quy định về hoàn trả chi phí đào tạo

Căn cứ khoản 3 Điều 40 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về hoàn trả chi phí đào tạo như sau:

Điều 40. Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

3. Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.”

Căn cứ quy định nêu trên thì vấn đề hoàn trả chi phí đào tạo khi các bên đã giao kết hợp đồng đào tạo nghề và người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Đối với trường hợp của bạn, bạn và công ty mới chỉ giao kết với nhau hợp đồng thử việc mà chưa phải lao động chính thức. Khi công ty cử bạn đi qua Singapore training 2 tuần và chu cấp 10 triệu đồng nhưng không ký bất kỳ hợp đồng hay cam kết đào tạo nào. Do đó, khi bạn nghỉ việc bạn không có trách nhiệm phải hoàn trả khoản chi phí này.

Bên cạnh đó, tại Điều 27 Bộ luật lao động 2019 quy định như sau:

Điều 27. Kết thúc thời gian thử việc

2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.”

Sau khi ký hợp đồng thử việc trong thời gian thử việc thì mỗi bên có quyền hủy hợp đồng mà không cần có sự chấp thuận bên kia và không phải chịu bồi thường. Như vậy, nếu hiện tại bạn muốn nghỉ việc có thể nghỉ ngay không cần xin phép hay báo trước và không phải bồi thường cho công ty.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn