Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Một số điểm mới của Luật hôn nhân và gia đình 2014

Luật hôn nhân và gia đình bao gồm các quy định chung về các vấn đề liên quan đến hôn nhân, gia đình mà mọi công dân có trách nhiệm tuân thủ và thực hiện. Các quy định này góp phần giúp người dân có cái nhìn khái quát về các quy định của nhà nước điều chỉnh về vấn đề này.

1. Luật sư tư vấn các vấn đề về hôn nhân, gia đình

Trong quá trình tiếp nhận và tư vấn pháp luật cho khách hàng bộ phận tư vấn pháp luật hôn nhân, gia đình của công ty Luật Minh Gia nhận được rất nhiều yêu cầu tư vấn của khách hàng liên quan đến hôn nhân và gia đình. Các vấn đề chủ yếu mà khách hàng yêu cầu tư vấn thường liên quan đến vấn đề ly hôn, vấn đề tranh chấp về tài sản chung, tài sản riêng và các vấn đề liên quan đến quyền nuôi con…

Nếu quý khách hàng cũng đang có nhu cầu tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến hôn nhân, gia đình hoặc muốn được tư vấn cụ thể về các vấn đề mình đang vướng mắc theo quy định của pháp luật hiện hành thì quý khách hàng có thể liên hệ với chúng tôi thông qua hình thức như đến tư vấn trực tiếp tại văn phòng hoặc gửi nội dung tư vấn qua Email để được chúng tôi tư vấn cụ thể các vấn đề hôn nhân và gia đình theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Điểm mới của luật hôn nhân gia đình 2014

So với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2015) có một số điểm mới nổi bật như sau:

- Thứ nhất: Nâng độ tuổi kết hôn

 Về độ tuổi kết hôn Luật hôn nhân và gia đình 2014 (Khoản 1, Điều 8) đã nâng độ tuổi kết hôn của nữ thành đủ 18 tuổi thay vì vừa bước sang tuổi 18 (17 tuổi + 1 ngày) như quy định tại Luật hôn nhân và gia đình năm 2000. Như vậy, Luật mới quy định tuổi kết hôn đối với nữ là từ đủ 18 tuổi trở lên và với nam là từ đủ 20 tuổi trở lên.

-Thứ hai: Chính chức cho phép mang thai hộ

Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (từ Điều 94 đến Điều 100). Việc mang thai hộ chỉ được áp dụng khi có đầy đủ các điều kiện sau đây: phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản; vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện: có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, vợ chồng đang không có con chung, đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý; người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện: là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ, đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định cụ thể việc xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, quyền, nghĩa vụ của bên mang thai hộ và bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, giải quyết tranh chấp liên quan đến việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

- Thứ ba: Thỏa thuận về tài sản của vợ chồng khi kết hôn

Ngoài chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 còn quy định về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận (Điều 47,48,49,50 và 59).

 Việc thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn. Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản bao gồm: tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng; quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình; điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản; nội dung khác có liên quan. Thỏa thuận này vẫn có thể được thay đổi sau khi kết hôn.

Ngoài những nội dung trên, Luật hôn nhân và gia đình 2014 còn quy định cụ thể cách giải quyết về con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng các bên khi nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn; không tính thời gian chung sống như vợ chồng trước khi đăng ký kết hôn vào thời kỳ hôn nhân.                                

- Thứ tư: Không cấm kết hôn đồng giới

Về hôn nhân đồng giới, luật hôn nhân và gia đình 2000 quy định cấm kết hôn đồng giới, và vì cấm nên đi kèm sẽ có chế tài, xử phạt.

Nay, theo luật mới, từ 01/01/2015, Luật hôn nhân và gia đình 2014 bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính” nhưng vẫn “không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính - Khoản 2 Điều 8”. Đây cũng được coi là một bước tiến nhỏ trong việc nhìn nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính của nhà nước ta trong tình hình xã hội hiện nay.

- Thứ năm: Thêm đối tượng được yêu cầu giải quyết ly hôn

Luật Hôn nhân và gia đình mới năm 2014 cũng bổ sung thêm các đối tượng được yêu cầu giải quyết ly hôn tại Điều 51.

Theo đó, thay vì chỉ vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng mới có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn như trước đây thì từ ngày 1-1-2015, cha, mẹ, người thân thích khác cũng có thể yêu cầu giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

- Thứ sáu: Áp dụng tập quán trong HNGĐ

Luật HNGĐ 2014 quy định cụ thể việc áp dụng tập quán trong hôn nhân gia đình so với Luật năm 2000, đó là: chỉ được áp dụng tập quán trong trường hợp pháp luật không có quy định và các bên không có thỏa thuận nhưng không được trái với các nguyên tắc, vi phạm các điều cấm tại Luật này. Quy định hiện hành chỉ quy định “Vận động nhân dân xoá bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình, phát huy truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc; xây dựng quan hệ hôn nhân và gia đình tiến bộ”. Việc quy định chung chung tạo nhiều kẽ hở, bất cập, gây khó khăn cho tòa án khi xét xử các vụ án về hôn nhân gia đình mà phải áp dụng các phong tục tập quán.  

--------------

Tham khảo tình huống luật sư tư vấn trực tuyến như sau:

Câu hỏi - Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi bạo lực gia đình?

Cháu chào luật sư.Cháu có một việc mong luật sư tư vấn giúp cháu. Hiện tại nhà bạn cháu, mẹ bạn ấy bị cha bạo hành, hành hạ về tinh thần và gây thương tích gãy tay phải phẫu thuật, mọi kinh tế trong nhà do mẹ bạn ấy tự gánh vác. Tài sản căn nhà đứng tên cha bạn ấy, mẹ bạn ấy làm nuôi con cái không có tài sản riêng.  Vậy bây giờ ly hôn, tài sản sẽ phân chia thế nào ạ? (căn nhà có được sau khi kết hôn)? nếu xét về khía cạnh pháp luật, cha bạn ấy sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự không ạ? Cháu xin chân thành cảm ơn! 

Trả lời: Đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn chúng tôi đã tư vấn trường hợp tương tự sau đây:

>> Truy cứu TNHS đối với hành vi bạo lực gia đình

Thứ nhất, đối với hành vi bạo lực gia đình thì để xác định có đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự hay không thì phải đưa mẹ của bạn bạn đi giám định, nếu giám định mà mức suy giảm từ 11% sức khỏe trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau (Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; Có tổ chức; Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;...) thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo Bộ luật hình sự. Trường hợp, hành vi bạo lực gia đình không thuôc trường hợp trên thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Thứ hai, về chia tài sản khi ly hôn: Bạn tham khảo bài viết chúng tôi đã tư vấn sau:

>> Tư vấn về phân chia tài sản chung vợ chồng.

Theo đó, quyền sử dụng đất hình thành trong thời kỳ hôn nhân (không phải được thừa kế hoặc tặng cho riêng) thì đây là tài sản chung vợ chồng, không phụ thuộc vào việc giấy chứng nhận đứng tên một người hoặc hai vợ chồng. Nên khi ly hôn, tài sản sẽ được chia đôi giá trị và có tính đến công sức đóng góp mỗi bên, đảm bảo quyền lợi của vợ và con...

Bạn tham khảo để giải đáp thắc mắc của mình. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hộ trợ pháp lý khác vui lòng liên hệ bộ phận luật sư trực tuyến của chúng tôi để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo