Lò Thị Loan

Xử lý hành vi giữ bản chính giấy tờ của người lao động

Tư vấn trường hợp hỏi về: Người sử dụng lao động có quyền giữ giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ của người lao động không? Trường hợp có hành vi này thì người sử dụng lao động bị xử lý như thế nào? Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động? Nội dung như sau:

 

Câu hỏi: Cách đây một năm tôi có làm tại một doanh nghiệp và công ty có yêu cầu phải nộp hồ sơ lái xe. Trong thời gian làm việc do áp lực công việc quá nặng nhọc và trả lương không đúng theo hợp đồng nên tôi có xin nghỉ nhưng công ty không đồng ý và sau một thời gian ngắn tôi đã tự nghỉ. Tôi đã nhiều lần lên công ty để lấy lại hồ sơ lái xe nhưng công ty không hoàn trả, thời gian đã qua hơn một năm. Vậy tôi cần làm gì? Tôi xin cảm ơn.

 

Trả lời: Chào bạn, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Căn cứ Điều 20 Bộ luật lao động năm 2012, thì khi giao kết hợp đồng lao động, người sử dụng lao động không được có hành vi:
 
1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
 
Đồng thời căn cứ Điều 47 Bộ luật lao động năm 2012 thì người sử dụng lao động có trách nhiệm sau khi chấm dứt hợp đồng lao động:
 
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.
 
Như vậy nếu phía công ty giữ giấy tờ, hồ sơ của bạn theo quy định trên thì bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu công ty phải trả lại những giấy tờ, hồ sơ đó. Nghĩa vụ trả lại giấy tờ này không phụ thuộc vào việc bạn chấm dứt hợp đồng đúng pháp luật hay trái pháp luật.
 
Bên cạnh đó, về việc thôi việc của bạn, bạn cần chú ý:

- Hợp đồng lao động của bạn là loại hợp đồng gì: hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng, hợp đồng có xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng, hợp đồng không xác định thời hạn.

- Tùy vào từng loại hợp đồng mà căn cứ cũng như thời hạn báo trước để người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động được quy định như sau: 

Một là, đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì không cần có căn cứ (lý do). Nếu người lao động muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động chỉ cần thông báo trước cho người sử dụng lao động là 45 năm trước khi nghỉ việc.
 
Hai là, đối với các trường hợp khác thì phải tuân thủ Điều 37 Bộ luật lao động năm 2012.
 
Như vậy, bạn có thể căn cứ vào quy định trên để xem xét việc mình có đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng theo quy định pháp luật hay không. Tuy nhiên, đối với các quyền, nghĩa vụ khi chấm dứt hợp đồng lao động thì bạn không thể khởi kiện để yêu cầu phía công ty thực hiện đối với bạn, bởi căn cứ Điều 202 Bộ luật lao động năm 2012 thì tranh chấp lao động của bạn đã hết thời hiệu khởi kiện:
 
2. Thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
 
Để đòi lại giấy tờ của mình, bạn cần làm thủ tục khởi kiện vụ án dân sự, cụ thể là khởi kiện đòi lại tài sản (đối với loại tranh chấp này thì không áp dụng thời hiệu). Bạn cần nộp đơn khởi kiện theo mẫu đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty bạn có trụ sở để được giải quyết. Kèm theo đơn khởi kiện bạn cần có chứng cứ về việc công ty có giữ hồ sơ của bạn.

Ngoài ra đối với hành vi của công ty bạn có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại Nghị định 195/2013/NĐ-CP:

"Điều 5.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động;"

"Điều 8.
1. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo thời hạn quy định tại Khoản 2 Điều 47 của Bộ luật lao động; không hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 47 của Bộ luật lao động theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;"

Bên cạnh đó, biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng là : buộc trả lại giấy tờ đã giữ của người lao động.

Bạn có thể trình bày với Thanh tra lao động Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để họ xử lý hành vi này.

 

Trân trọng!
CV: Nguyễn Ngọc - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo