Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Tư vấn về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc của viên chức.

Luật sư tư vấn về trường hợp viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc nhưng bị đơn vị ra quyết định buộc thôi việc. Nội dung tư vấn cụ thể như sau:

Nội dung tư vấn: Kính chào Luật Minh Gia: Luật sư cho em hỏi em là bác sỹ viên chức công tác tại trung tâm y tế huyện. Em công tác 18 năm hợp đồng không thời hạn. Năm 2016 em ra trường sau đại học chuyên khoa cấp 1, về cơ quan công tác có ký giấy phục vụ 5 năm. Em công tác bình thường. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn tháng 2 năm 2019 em có làm đơn xin thôi việc kể từ ngày 22/1/2019  đến 12/3/2019 em nghỉ việc, sau 15 ngày cơ quan có thông báo không cho em nghỉ. Em vẫn đi làm  đợi sau 47 ngày em thông báo khoa và tổ chức em nghỉ, sau đó ngày 13/5/2019, cơ quan trung tâm y tế ra quyết định buộc thôi việc. Luật sư cho em hỏi em đơn phương nghỉ việc có đúng không? Quyết định buộc thôi việc có đúng không? Em phải làm sao? Kính mong luật sư tư vấn cho em, em chân thành biết ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia. Với vấn đề của bạn, chúng tôi xin đưa ra tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc.

 

Khoản 4 Điều 29 Luật Viên chức 2010 quy định:

 

4. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày."

 

Bạn là viên chức làm vệc theo hợp đồng không xác định thời hạn nên khi bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng cần báo trước cho cơ quan ít nhất 45 ngày. Bạn làm đơn xin thôi việc, báo trước kể từ ngày 22/1/2019 và đến 12/3/2019, bạn nghỉ việc, do đó, việc bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc là đúng luật. Việc cơ quan không giải quyết cho bạn nghỉ việc nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 38 Nghị định 29/2012/NĐ-CP sẽ không làm ảnh hưởng đến quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc của bạn, tức là, sau 45 ngày báo trước, bạn có quyền nghỉ việc.

 

Thứ hai, về việc cơ quan ra quyết định buộc thôi việc.

 

Điều 13 Nghị định 27/2012/NĐ-CP quy định:

 

Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với viên chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

 

1. Bị phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng;

...

 

5. Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà không có lý do chính đáng được tính trong tháng dương lịch; năm dương lịch;

 

6. Vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức.

 

Nếu lý do cơ quan ra quyết định buộc thôi việc của bạn không thuộc các trường hợp kể trên và quy trình tiến hành kỷ luật buộc thôi việc với bạn không được thực hiện theo đúng thủ tục được quy định tại Nghị định kể trên (về việc tổ chức cuộc họp kỷ luật, ra quyết định,...) thì việc cơ quan ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc là trái pháp luật.

 

Khi xác định việc kỷ luật buộc thôi việc của cơ quan với bạn là trái pháp luật, bạn có quyền khiếu nại lần đầu lên thủ trưởng cơ quan nơi bạn công tác để được giải quyết, trường hợp không được giải quyết hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, bạn có quyền khiếu nại lần hai đến thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý. Sau khi giải quyết khiếu nại lần hai không thành hoặc không được giải quyết, bạn có quyền khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án.

 

Trân trọng

Phòng Luật sư tư vấn Dân sự - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo