Nguyễn Ngọc Ánh

Quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người lao động./.

Xin chào Luật sư! Tôi có việc này muốn nhờ luật sư tư vấn giúp.Chuyện là thế này: tôi là bác sỹ, hiện đang làm hợp đồng không xác định thời hạn tại một trung tâm y tế quận.

 

Nội dung yêu cầu: Nay có một trung tâm y tế khác tổ chức thi biên chế và tôi đã tham gia thi, kết quả tôi đã đậu. Hiện đang đợi quyết định trúng tuyển. Trong thời gian này tôi đã làm đơn xin thôi việc nơi tôi đang làm và xin làm 45 ngày. Nhưng trung tâm lại yêu cầua tôi làm Đơn xin đơn phương chấm dứt hợp đồng và ko yêu cầu tôi làm đủ 45 ngày. Vì một điều nhạy cảm là sắp đến tết. Cuối tháng 1 là tết. Cơ quan lại yêu cầu tôi nghỉ vào ngày 1.1.2017. Tôi được biết theo qui chế thu chi nội bộ, nếu tôi nghỉ trước như vậy thì tôi sẽ không nhận được tiền thưởng cuối năm( mặc dù số tiền này cũng trích nguồn thu chi hằng tháng của mỗi cá nhân).Vậy cho tôi hỏi, nếu tôi làm đơn xin đơn phương chấm dứt hợp đồng như vậy có khác gì với đơn xin thôi việc ko? Và nếu tôi ko làm 45 ngày theo luật thì tôi có bị vi phạm pháp luật ko? Nếu tôi nghỉ kể từ ngày 1.1.2017, cơ quan ko cho tôu hưởng tiền thưởng tết thì có gì sai ko?Tôi xin chân thành cảm ơn Luật sư ạ.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh Gia! Yêu cầu của bạn được tư vấn như sau:

 

1. Đơn xin đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và đơn xin thôi việc có khác gì không?

 

Điều 37 BLLĐ quy định quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động:

"...

3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này".

 

Theo quy định tại Khoản 9 Điều 36 Bộ luật lao động thì NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định tại Điều 37 Luật này là căn cứ chấm dứt quan hệ lao động giữa NLĐ và NSDLĐ. Căn cứ Khoản 3 Điều 37 BLLĐ, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho NSDLĐ biết trước ít nhất 45 ngày. Tức trong vòng 45 ngày trước khi chấm dứt quan hệ lao động thì NLĐ vẫn phải thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung thỏa thuận trong hợp đồng.

 

Trường hợp NLĐ không báo trước ít nhất 45 ngày trước khi chấm dứt hợp đồng mà tự ý nghỉ việc thì được xác định là đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật, và dĩ nhiên buộc phải thực hiện các trách nhiệm quy định tại Điều 43 BLLĐ.

 

Điều 43. Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

 

"1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

 

2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

 

3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này".

 

Do đang làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn nên bạn có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ và chỉ cần báo trước ít nhất 45 ngày cho NSDLĐ mà không bắt buộc phải được sự chấp thuận của người này. Và theo phân tích trên 45 ngày bạn buộc phải làm việc bình thường, được hưởng mọi quyền lợi theo thỏa thuận. Nếu nghỉ trước 45 ngày thì bạn sẽ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ được liệt kê tại Điều 43 BLLĐ nêu trên. 

 

Đối với vụ việc trên, trường hợp bạn ghi đơn xin đơn phương chấm dứt HĐLĐ, mặc dù thực tế được NSDLĐ cho nghỉ trước 45 ngày nhưng khi có tranh chấp xảy ra mà bạn không cung cấp được chứng cứ chứng minh NSDLĐ đã biết và đồng ý cho nghỉ trước 45 ngày, NSDLĐ bác bỏ nội dung đã đồng ý cho bạn nghỉ thì có thể bạn sẽ phải thực hiện nghĩa vụ của người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật như phân tích trên.

 

Ngược lại, trường hợp có chứng cứ chứng minh NSDLĐ đã đồng ý cho bạn nghỉ trước 45 ngày thì đơn xin đơn phương chấm dứt HĐLĐ hay đơn xin thôi việc không khác nhau về bản chất, và vẫn có căn cứ xác định trường hợp trên là các bên thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ. Sau khi chấm dứt HĐLĐ thì bạn vẫn được hưởng các quyền lợi theo quy định của Luật.

 

2. Nếu nghỉ kể từ ngày 1.1.2017 mà cơ quan không thanh toán tiền thưởng tết là đúng hay sai?

 

Điều 103 BLLĐ quy định về tiền thưởng

 

"1. Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

 

2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở".

 

Theo đó, tiền thường không phải khoản tiền bắt buộc NSDLĐ phải trả cho NLĐ mà khoản này hoàn toàn theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy chế thưởng do NSDLĐ quyết định và công bố công khai.

 

Vậy, nếu bạn hoàn thành mọi điều kiện do NSDLĐ đặt ra mà không được thanh toán tiền thường tết, mặc dù nghỉ trước khi hết năm âm lịch thì bạn có quyền yêu cầu người này chi trả đầy đủ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người lao động./.. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Phòng tư vấn - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo