Đinh Ngọc Huyền

Người sử dụng lao động có phải có nghĩa vụ khi người lao động chết do ốm đau?

Hỏi: Xin chào luật sư! Hiện nay gia đình tôi đang gặp một vấn đề lớn rất mong nhận được sự tư vấn của luật sư. Sự việc như sau: Bố tôi đi trông công trình xây dựng cho người quen ở tỉnh A . Do thiếu người làm, bố tôi có gọi thêm người đi làm cùng và trả lương cho họ. Tuy nhiên trong thời gian làm ở đó, người mà bố tôi thuê có bị ốm và bất ngờ bị tai biến và được đưa vào bệnh viện tỉnh để cấp cứu, sau đó được di chuyển về bệnh viện X

 

Nhưng do biết không thể qua khỏi nên bệnh viện đã trả về và người đó cũng đã chết. Người nhà của gia đình họ có nói sẽ làm đơn kiện bố tôi vì họ cho rằng lỗi tại bố tôi (Diễn biến sự việc đều có người làm chứng rằng người đó bị ốm chứ không phải do tai nạn của công trường). Tôi không biết trong trường hợp này bố tôi có phải chịu trách nhiệm gì không? Cách giải quyết tốt nhất là như thế nào. Rất mong nhận được sự giúp đỡ từ phía luật sư để gia đình tôi yên tâm hơn. Tôi xin chân thành cảm ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về bệnh nghề nghiệp:

 

Theo Điều 143 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về bệnh nghề nghiệp, cụ thể là:

 

"1. Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động.

 

Danh mục các loại bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành sau khi lấy ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tổ chức đại diện người sử dụng lao động.


2. Người bị bệnh nghề nghiệp phải được điều trị chu đáo, khám sức khoẻ định kỳ, có hồ sơ sức khỏe riêng biệt".

 

Như vậy, người lao động mà bố bạn thuê có bị ốm và bất ngờ bị tai biến và được đưa vào bệnh viện tỉnh để cấp cứu, sau đó được di chuyển về bệnh viện X. Nhưng do biết không thể qua khỏi nên bệnh viện đã trả về và người đó cũng đã chết thì người này bị bệnh và chết hoàn toàn không phải là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động.

 

Trường hợp này, không thuộc trường hợp người lao động bị bệnh nghề nghiệp.

 

Thứ hai, về tai nạn lao động:


Theo Khoản 1 Điều 142 Bộ luật Lao động 2012 quy định:

 

Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.”
 

Theo đó, người lao động mà bố bạn thuê bị tai biến và qua đời không thuộc trường hợp tai nạn lao động

 

Như vây: người lao động mà bố bạn thuê bị bệnh và qua đời không thuộc trường hợp bệnh nghề nghiệp cũng không thuộc trường hợp tai nạn lao động nên bố bạn không phải chịu trách nhiệm trong trường hợp này.

 

>> Luật sư giải đáp thắc mắc về chế độ BHXH, gọi: 1900.6169

 

-----------------

Câu hỏi thứ 2 - Quyền lợi của NLĐ bị chết do tai nạn lao động nhưng không đóng BHXH.

 

Mong luật sư tư vấn giúp e ạ! Chuyện là thế này. Em có người anh là kỹ sư xây dựng 38 tuổi mất vào 201x, khi đang làm việc tại công trình thì chẳng mai bị điện giật và qua đời ( a làm đã lâu mà không có HĐLĐ và củng không có bảo hiểm). Ngay tại thời  điểm  a  bị điện giật em củng đang làm việc gần đó. Em đã tiến hành sơ cứu nhưng a không qua khỏi. Công an đã vào kiểm tra và mỗ tử thi. Về phía lời khai thì e đã khai không đúng sự thật ( em đã khai theo sự hướng dẫn của chủ đầu tư và nhà thầu phụ). Lý do là họ nói  sẽ  chu cấp  cho con và ba mẹ của a  nên em đã đồng ý. Nhưng đến nay thì nhà thầu phụ mới hổ trợ được 85 triệu đồng và chủ đầu tư 20triệu đồng để làm đám tang cho  a  và chưa có động thái hổ trợ tiếp theo. Trong trường hợp nếu như nhà thầu phụ không chu cấp theo lời hứa thì bên em có quyền khởi kiện  không . Rất  mong luật  sư tư vấn giúp  em . Trân trọng kính chào!

 

Trả lời: Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi tư vấn như sau:

 

Luật an toàn vệ sinh lao động 2012 quy định: 

 

Điều 38. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

 

Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

 

1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;

 

2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:

a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;

b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;

c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;

 

3. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trongthời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;

 

4. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

 

5. Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;

...."

 

Điều 39. Trách nhiệm của người sử dụng lao động về bồi thường, trợ cấp trong những trường hợp đặc thù khi người lao động bị tai nạn lao động

.....

 

4. Nếu người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, thì ngoài việc phải bồi thường, trợ cấp theo quy định tại Điều 38 của Luật này, người sử dụng lao động phải trả khoản tiền tương ứng với chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương này khi người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên, trường hợp không thống nhất thì thực hiện theo yêu cầu của người lao động.

..."

 

Căn cứ theo quy định trên, anh trai a/c tuy không ký HĐLĐ và chưa được tham gia BHXH nhưng trên thực tế đã làm việc cho công ty một thời gian dài. Do vậy, anh trai a/c được xác định là người lao động của công ty và thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Theo đó, công ty có trách nhiệm chi trả đầy đủ tiền bồi thường và chế độ cho thân nhân của NLĐ theo quy định trên. 

 

Tuy nhiên, nếu vụ việc hiện nay đã được xác minh theo hướng anh trai a/c có lỗi dẫn đến bị tai nạn hoặc xác định đây là tai nạn thông thường không phải tai nạn lao động, thì việc khởi kiện để yêu cầu công ty thực hiện trách nhiệm nói trên sẽ gặp nhiều khó khăn. Hơn hết, các bên nên tự thỏa thuận để giải quyết vụ việc.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Người sử dụng lao động có phải có nghĩa vụ khi người lao động chết do ốm đau?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn luật Lao động trực tuyến để được giải đáp.

 

Trân trọng!

CV. Lê Thảo – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo