Vũ Thanh Thủy

Người lao động có được giao kết nhiều hợp đồng lao động cùng một lúc được không?

Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Vậy một người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động hay không, pháp luật lao động quy định như thế nào về vấn đề này? Với thắc mắc trên thì bạn có thể liên hệ với Luật sư để được hỗ trợ tư vấn.

1. Luật sư tư vấn về vấn đề giao kết hợp đồng lao động

Theo quy định pháp luật lao động hiện hành thì một người lao động có thể giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động, nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.

Tuy nhiên thực tế có rất nhiều doanh nghiệp khi ký hợp đồng lao động với người lao động có yêu cầu người lao động không được phép làm việc cho doanh nghiệp khác hoặc đối thủ cạnh tranh. Yêu cầu trên không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động mà còn vi phạm quy định pháp luật.

Do đó, nếu bạn gặp phải trường hợp này và chưa biết làm thế nào để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình thì có thể liên hệ với Luật sư của chúng tôi để được tư vấn về phương án giải quyết.

Bạn có thể gửi yêu cầu tư vấn hoặc gọi: 1900.6169 để được giải đáp vướng mắc.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm trường hợp chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức pháp lý trong lĩnh vực này.

2. Người lao động có quyền giao kết nhiều hợp đồng lao động không?

Câu hỏi: Bên cơ quan em là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng thực hiện tư vấn khảo sát, thiết kế và giám sát các công trình. Hiện nay do thiếu người nên bên em muốn thuê thêm 1 lao động có trình độ kỹ sư và có chứng chỉ thiết kế và giám sát các công trình điện và lương được trả theo thỏa thuận khoán việc theo công trình.

Người này đang làm ở đơn vị sự nghiệp công lập khác và hưởng lương ngân sách, vậy người này có được ký hợp đồng lao động nhận thực hiện khoán công việc giám sát, thiết kế bên đơn vị của em được không? Mong nhận được sự phản hồi từ phía luật sư!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Do bạn không cung cấp người kỹ sư làm việc tại cơ quan của bạn là viên chức hay người lao động nên chúng tôi không thể tư vấn cụ thể cho bạn, do đó, có hai trường hợp xảy ra:

+ Trường hợp người này là người lao động, có giao kết HĐLĐ:

Theo quy định tại Điều 21 Bộ luật lao động 2012 về giao kết HĐLĐ với nhiều người lao động:

Người lao động có thể giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động, nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.

Trong trường hợp giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động, việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động được thực hiện theo quy định của Chính phủ.”

+ Trường hợp người này đang là viên chức:

Căn cứ theo Điều 19 Luật Viên chức 2010 quy định về những việc viên chức không được làm như sau:

“1. Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc; tham gia đình công.

2. Sử dụng tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị và của nhân dân trái với quy định của pháp luật.

3. Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.

4. Lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để tuyên truyền chống lại chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc gây phương hại đối với thuần phong, mỹ tục, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân và xã hội.

5. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp.

6. Những việc khác viên chức không được làm theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Bên cạnh đó, tại Điều 37 Luật phòng chống, tham nhũng quy định những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm:

“1. Cán bộ, công chức, viên chức không được làm những việc sau đây:

a) Cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong khi giải quyết công việc;

b) Thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

c) Làm tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về các công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc mình tham gia giải quyết;

d) Kinh doanh trong lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ trong một thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ;

đ) Sử dụng trái phép thông tin, tài liệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị vì vụ lợi.

2. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.

3. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hoá, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.

4. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp.

5. Cán bộ, công chức, viên chức là thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và những cán bộ quản lý khác trong doanh nghiệp của Nhà nước không được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cho phép doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của doanh nghiệp mình; bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong doanh nghiệp hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hoá, ký kết hợp đồng cho doanh nghiệp.

6. Quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này cũng được áp dụng đối với các đối tượng sau đây:

a) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân;

b) Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn - kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân.”

Do đó, pháp luật hiện tại cho phép người lao động được giao kết với nhiều người sử dụng lao động, trường hợp người kỹ sư là viên chức mà không thuộc các trường hợp pháp luật quy định viên chức không được làm thì đơn vị của bạn có thể kí hợp đồng lao động với người này.

Tuy nhiên, cần lưu ý khi người lao động giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động phải bảo đảm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của họ đã được thỏa thuận tại các hợp đồng đã giao kết. Có trách nhiệm sắp xếp, bố trí thời gian hợp lý, tránh trùng lặp thời giờ làm việc đã ghi trong hợp đồng; bảo đảm sức khỏe, chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề, hoàn thành công việc được người sử dụng lao động giao.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo