Lò Thị Loan

Nghĩa vụ của NLĐ khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật?

Hiện nay trong xã hội không ít trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Bởi thực tế thì những người tham gia giao kết hợp đồng chỉ làm theo quán tính và cách nghĩ của họ. Mà không biết rằng để đơn phương chấm dứt hợp đồng cũng cần phải thỏa một số điều kiện do luật định hay do sự thỏa thuận của các bên. Nếu không, điều này sẽ gây ra những bất lợi không đáng có cho họ. Như vậy nếu người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật họ sẽ phải gánh chịu những hậu quả gì?.

Nhằm giúp cho người lao động tránh được những rủi ro khi chấm dứt hợp đồng lao động trái luật và phải gánh chịu những hậu quả bất lợi  thì Luật Minh Gia  xin lưu ý về việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Nếu bạn có bất kỳ thắc nào hãy gửi câu hỏi đến chúng tôi hoặc Gọi: 1900.6169, chúng tôi sẽ hỗ trợ bạn.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm thông qua tình huống mà Luật Minh Gia tư vấn sau đây:

Nội dung tư vấn: Chào luật sư, luật sư giúp em với: Em đi dạy ở 1 trường MN từ 4/2014 đến 6/2019, em đã kí và hoàn thành 2 hợp đồng 2 năm với nhà trường, ngày 1/6/2019 nhà trường có đưa cho em 1 hợp đồng 1 năm, em có kí và nộp lại trường để trường đóng dấu nhưng đến nay chưa thấy nhà trường đóng dấu và đưa lại cho em. Em có hỏi thì chị kế toán bảo chưa có, hiện nay thì chị ấy đã nghỉ làm. Đến đầu tháng 8 vừa rồi, con trai em hơn 1 tuổi hay ốm, chồng em thì hay đi làm muộn, không đưa đón con đi học được, gia đình cũng căng thẳng hay xảy ra cãi vã nên hôm 12/8 đi làm về em quyết định nghỉ làm và em đã nhắn tin cho chị hiệu trưởng xin bắt đầu nghỉ từ 13/08 trong trường hợp của em thì em nghỉ sai quy định như thế nào ạ? Em có đóng bảo hiểm xã hội đến tháng 8/2019 nên muốn được chốt sổ, vậy giờ em nên làm thế nào ạ?Rất mong luật sư giải thích giúp em! Em xin chân thành cảm ơn ạ!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, vấn đề của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

- Thứ nhất, hết hạn hợp đồng lao động xác định thời hạn lần 02 mà tiếp tục làm việc thì có được xác định là chuyển thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn không.

Căn cứ theo quy định tại Điều 22 Bộ luật Lao động 2012 về loại hợp đồng lao động như sau:

“1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn;

Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.

Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

…”.

Theo đó, hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng. Khi hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Vì vậy, bạn đã ký kết hợp đồng lao động xác định thời hạn 02 lần (02 năm một lần), lần một từ tháng 4/2014, sau khi hết hạn hợp đồng đó thì hai bên ký thêm một hợp đồng lao động xác định thời hạn 02 năm, hết hạn hợp đồng lần hai bạn vẫn tiếp tục làm việc mà hai bên không ký kết hợp đồng lao động xác định thời hạn thì quan hệ lao động giữa bạn và phía nhà trường vẫn được xác định là chuyển thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

- Thứ hai, quyền và nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

+ Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 37 Bộ luật Lao động 2012 về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động như sau:

“3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này”.

Như vậy, bạn được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với phía nhà trường, nhưng phải báo cho nhà trường biết trước ít nhất 45 ngày. Đối với trường hợp của bạn, sau giờ làm việc ngày12/8/2019 thì bạn báo cho hiệu trưởng nhà trường về vấn đề nghỉ việc và đến hôm sau ngày 13/8/2019 bạn nghỉ, do đó được xác định bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Bởi lẽ, bạn đã vi phạm quy định về thời hạn báo trước (không báo trước 45 ngày cho người sử dụng lao động biết).

+ Khi bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì bạn phải có nghĩa vụ với phía nhà trường theo quy định tại Điều 43 Bộ luật Lao động 2012 như sau:

“1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này”.

Theo đó, bạn sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp và phải bồi thường cho phía nhà trường (người sử dụng lao động) nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động (tiền lương theo hợp đồng lao động tại thời điểm bạn chấm dứt hợp đồng lao động). Đồng thời, do bạn vi phạm quy định về thời hạn báo trước nên phải bồi thường cho nhà trường một khoản tiền tương ứng với tiền lương của bạn trong 45 ngày không báo trước.

+ Việc xác nhận bảo hiểm xã hội: Căn cứ theo quy định tại Khoản 2, 3 Điều 47 Bộ luật Lao động 2012 về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau:

“2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động”.

Như vậy, trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, đối với một số trường hợp đặc biệt thì có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. Ngoài ra, trong bất kỳ trường hợp nào thì nhà trường cũng phải có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà nhà trường đang giữ lại của bạn. Trường hợp công ty không thực hiện việc trả sổ BHXH thì bạn có thể khiếu nại lên Phòng lao động thương binh xã hội nơi công ty có trụ sở để yêu cầu giải quyết hoặc khởi kiện ra Tòa án.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo