LS Nguyễn Thùy Dương

Trách nhiệm của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

Người lao động có phải bồi thường khi chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định của pháp luật hay không? Nếu có, mức bồi thường mà người lao động phải thực hiện là bao nhiêu? Ngoài việc bồi thường cho người sử dụng lao động, người lao động còn phải chịu những chế tài gì? Luật Minh Gia giải đáp các vấn đề này như sau:

1. Luật sư tư vấn về hậu quả pháp lý của chấm dứt hợp đồng trái quy định của pháp luật

Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là quyền của người lao động, tuy nhiên người lao động chỉ được đơn phương chấm dứt khi đáp ứng được những điều kiện nhất định, đặc biệt là thời gian báo trước. Việc người lao động chấm dứt trái quy định của pháp luật sẽ gây ảnh hưởng xấu và thiệt hại đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vì vậy, pháp luật quy định khi người lao động chấm dứt hợp đồng trái quy định (Nghỉ ngang) sẽ phải bồi thường thiệt hại cho người sử dụng lao động.

2. Hỏi về hậu quả pháp lý khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

Câu hỏi: Cụ thể là tôi đang làm cho một  công ty A, thời gian tới tôi sẽ nghỉ việc và làm cho công ty B từ đầu tháng 1/2016. Cuối tuần vừa rồi, tôi có báo cho giám đốc công ty A xin nghỉ việc, thì được giám đốc nói lại là cứ theo luật lao động đủ 45 ngày mà làm. (Tôi đang ký hợp đồng không xác định thời hạn với công ty A). Thực tế là do sếp đang làm khó tôi.Đầu tháng 1 chắc chắn là tôi phải sang công ty B làm và như vậy là thời gian tính từ lúc làm đơn xin nghỉ tới lúc tôi nghỉ chỉ được khoảng 10 ngày (nghỉ trước so với thời hạn 35 ngày). Tôi biết như vậy là tôi đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, chưa được sếp đồng ý. Theo tôi hiểu nếu như vậy thì tôi sẽ phải có trách nhiệm đền bù 35 ngày công cho công ty, theo luật lao động quy định. Nhưng còn về phần trách nhiệm của công ty A, họ vẫn có trách nhiệm phải chốt sổ bảo hiểm và bàn giao sổ bảo hiểm cho tôi đúng không ạ  và trong thời hạn là bao nhiêu (mặc dù tôi đã nghỉ việc trái pháp luật) 

Kính mong đoàn luật sư cho tôi xin tư vấn về quyền và trách nhiệm mỗi bên trong tình huống này.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định tại Bộ luật lao động 2012:

* Về phía người lao động:

Điều 37. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

Điều 43.Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứ hợp đồng lao động trái pháp luật

1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

Nếu bạn nghỉ việc tại công ty A sau thời hạn 10 ngày kể từ ngày thông báo nghỉ thì phải bồi thường cho công ty nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và tiền lương của 35 ngày làm việc do vi phạm thời hạn báo trước, đồng thời bạn cũng sẽ không được nhận trợ cấp thôi việc.

* Về phần trách nhiệm của công ty A:

Điều 47.Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi châm dứt hợp đồng lao động

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.

Như vậy chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, công ty A có trách nhiệm lập thủ tục chốt sổ bảo hiểm để trả cho bạn. Nếu công ty vẫn không chốt sổ, trả sổ BHXH thì bạn có thể khiếu nại với Phòng Lao động Thương binh Xã hội quận, huyện (nơi đơn vị sử dụng lao động đặt trụ sở) hoặc Thanh tra Sở Lao động TBXH để được can thiệp giúp đỡ.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169