Phạm Diệu

Nghĩa vụ của công ty khi chấm dứt hợp đồng lao động do thay đổi cơ cấu, công nghệ?

Luật sư tư vấn về trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ và nghĩa vụ của công ty. Nội dung tư vấn như sau:

 

Xin kính chào Công Ty Luật Minh Gia. Đầu tiên tôi xin chân thành cảm ơn Công ty đã dành dịch vụ miễn phí tư vấn qua mail  để giải quyết những vướng mắc của mình. Qua mail tôi muốn nhờ Công ty giải đáp giúp những vướng mắc của mình trong luật lao động mà bản thân chưa hiểu rõ. Hiện tôi làm việc cho Chi nhánh Công Ty  tại Hà Nội, Tổng Cty ớ BG, từ năm 2009 đến hết năm 2017, vào tháng 12 năm 2017 lấy lý do chi nhánh Cty làm ăn không hiệu quả, tái cơ cấu lại và giải tán Chi nhánh, Cty đã ra thông báo vào tháng 12 năm 2017 cho tôi làm đến hết 31/01/2018 thì sẽ chấm dứt hợp động lao động với tôi ( hợp đồng lao đông của tôi ký với Cty là hợp đồng dài hạn). Đến đầu tháng 2 năm 2018 phòng tổ chức tiền lương Cty có gọi điện cho tôi đề nghị viết đơn xin thôi việc để thuận lợi cho Cty cũng như bản thân tôi trong vấn đề ra quyêt định chấm dứt Hợp đồng lao động của tôi. Tôi rất thắc mắc nếu công ty ra thông báo quyết định cho tôi thôi việc sao lại cần tôi viết đơn xin thôi nên tôi nhờ Công ty giải đáp giúp tôi trong trường hợp của tôi thì tại sao khi ra thông báo quyết định cho tôi thôi việc lại cần tôi viết đơn xin thôi việc. Thứ hai trong trường hợp này thì công ty có phải bồi thường gì cho tôi hay không ngoài trợ cấp thất nghiệp.Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Trường hợp 1: Công ty chấm dứt hợp đồng lao động do thay đổi cơ cấu, công nghệ

 

Căn cứ theo quy định tại Khoản 10 Điều 36 Bộ luật lao động 2012:

 

“Điều 36. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động

 

10. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật này; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhật, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.”

 

Tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định như sau:

 

Điều 13. Thay đổi cơ cấu, công nghệ và lý do kinh tế

 

1. Thay đổi cơ cấu, công nghệ tại Khoản 1 Điều 44 của Bộ luật Lao động gồm các trường hợp sau đây:

 

a) Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động;

 

b) Thay đổi sản phẩm, cơ cấu sản phẩm;

 

c) Thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động.

 

Như vậy, nếu công ty bạn thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 05/2015/NĐ-CP mà không thể sắp xếp, giải quyết việc làm mới cho bạn thì công ty buộc phải cho bạn thôi việc. Theo đó, công ty phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại Điều 44 Bộ luật lao động 2012 như sau:

 

“1. Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.

 

Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.

…”.

 

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 49 Bộ luật Lao động 2012: “Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc”.

 

Căn cứ thông tin bạn cho biết, bạn bắt đầu làm việc tại công ty từ năm 2009. Ngoài ra, chính sách bảo hiểm thất nghiệp áp dụng bắt buộc đối với người lao động và người sử dụng lao động có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2009. Do đó, nếu toàn bộ thời gian bạn làm việc tại công ty đều tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì khi bạn nghỉ việc theo quy định tại Điều 44 Bộ luật lao động 2012, bạn sẽ không được nhận trợ cấp mất việc làm.

 

Tuy nhiên, nếu trường hợp bạn có thời gian thử việc tại công ty, trong thời gian đó không đóng bảo hiểm thất nghiệp thì khi bạn nghỉ việc bạn sẽ được chi trả trợ cấp mất việc làm bằng 02 tháng tiền lương theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ-CP: “Trường hợp người lao động có thời gian làm việc thực tế cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên mất việc làm nhưng thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm ít hơn 18 tháng thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.”

 

Bên cạnh đó, khi bạn nghỉ việc thì công ty sẽ ra quyết định thôi việc và phải có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ các khoản như: tiền lương, tiền thưởng, tiền phép năm (nếu bạn chưa nghỉ), chốt sổ và trả sổ bảo hiểm và những giấy tờ khác mà công ty giữ của bạn.

 

Về thủ tục cho người lao động thôi việc: Thủ tục cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế như sau:

 

- Trường hợp cho 01 người lao động thôi việc: Hiện tại pháp luật không quy định cụ thể về thủ tục trong trường hợp này. Theo đó, khi công ty buộc phải cho bạn nghỉ việc vì lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ thì công ty sẽ ra quyết định thôi việc (quyết định chấm dứt hợp đồng lao động) và thanh toán các quyền lợi cho bạn như phân tích ở trên.

 

- Trường hợp ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động (từ 2 người lao động trở lên), người sử dụng lao động phải thực hiện các thủ tục sau đây:

 

+ Xây dựng phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 Bộ luật Lao động. Trường hợp bố trí, sắp xếp chỗ làm việc mới thì phải ưu tiên đào tạo lại người lao động để bố trí công việc mới cho người lao động.

 

+ Nếu phải cho từ 02 người lao động trở lên thôi việc thì trước khi cho người lao động thôi việc, người sử dụng lao động phải trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.

 

Như vậy, nếu công ty thay đổi cơ cấu, công nghệ mà không sắp xếp được công việc mới cho bạn, buộc bạn phải nghỉ việc thì công ty sẽ phải thực hiện thủ tục chấm dứt nêu trên. Trong trường hợp này, bạn không phải viết đơn xin thôi việc.

 

Trường hợp 2: Công ty chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

 

Như đã phân tích ở trường hợp 1 về thủ tục cho người lao động thôi việc vì lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ. Theo đó, người lao động không phải viết đơn xin thôi việc.

 

Người lao động viết đơn xin thôi việc là khi người lao động tự nguyện muốn nghỉ việc. Do đó, trong trường hợp này, bạn cần phải xem xét lại căn cứ mà công ty đưa ra có hợp pháp không? Bạn phải yêu cầu công ty đưa ra căn cứ chứng minh công ty đang thay đổi cơ cấu, công nghệ và vì lý do đó mà không sắp xếp được việc làm mới nên buộc phải cho bạn thôi việc.

 

Trường hợp nếu công ty không chứng được công ty thay đổi cơ cấu, công nghệ mà cho bạn nghỉ việc thì công ty đang đơn phương chấm dứt hợp động lao động trái luật. Do đó, công ty phải có nghĩa vụ bồi thường theo quy định tại Điều 42 Bộ luật lao động 2012:

 

Điều 42. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

 

1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

 

2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.

 

3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

 

4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

 

5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

 

Như vậy, trong trường hợp này, để đảm bảo quyền lợi của mình, bạn có quyền gửi đơn khiếu nại đến Phòng Lao động Thương binh-Xã hội hoặc làm đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân quận(huyện) nơi công ty có trụ sở để yêu cầu giải quyết. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

CV tư vấn: Phạm Diệu - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo