Cà Thị Phương

Điều kiện hưởng và cách tính trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp

Hiện tôi đang làm trong công ty xây dựng của Nhật Bản. Tôi có ký hợp đồng vô thời hạn với công ty. Tôi có tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 1/2009. Tính đến thời điểm hiện tại thì tôi đã đóng được 80 tháng bảo hiểm thất nghiệp


Điều kiện hưởng và cách tính trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp


Nội dung đề nghị tư vấn:

Hiện tôi đang làm trong công ty xây dựng của Nhật Bản. Tôi có ký hợp đồng vô thời hạn với công ty. Tôi có tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 1/2009. Tính đến thời điểm hiện tại thì tôi đã đóng được 80 tháng bảo hiểm thất nghiệp. Bình quân lương ký hợp đồng trong vòng 6 tháng liền kề (từ tháng 3/2015-8/2015) là 18.700.000. Tôi chuẩn bị kết thúc hợp đồng với công ty đang công tác. Vậy tôi có được hưởng trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thôi việc không khi hoàn thiện hồ sơ đăng ký với Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở LĐTB&XH? Nếu có thì tôi sẽ được hưởng bao nhiêu tháng trợ cấp thất nghiệp ?

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Về trợ cấp thôi việc:

Hợp đồng bạn ký vói công ty xây dựng của Nhật Bản là hợp đồng vô thời hạn, do đó, để nghỉ việc theo đúng pháp luật thì bạn phải đảm bảo điều kiện báo trước là 45 ngày cho công ty trước khi bạn thôi việc theo quy định tại khoản 2 điều 38 Bộ luật lao động năm 2012:

“Điều 38. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này".


Theo quy định tại điều 48 Bộ luật lao động năm 2012:

"Điều 48. Trợ cấp thôi việc

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.


Khi bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (khoản 9 điều 36) vì bạn sẽ được công ty chi trả trợ cấp thôi việc, mỗi năm làm việc được trợ cấp bằng 1 nửa tháng tiền lương. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian bạn đã làm việc thực tế cho công ty trừ đi thời gian bạn đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. Vì vậy, thời gian bạn tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 1/2009, tính đến thời điểm hiện tại thì bạn đã đóng được 80 tháng bảo hiểm thất nghiệp sẽ không được công ty chi trả. Theo quy định tại Nghị định 05/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động thì:

"Điều 14. Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm

3. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. Trong đó:

a) Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian thử việc, học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ hằng tuần theo Điều 10  Điều 110, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo các Điều 111, Điều 112, Điều 115 và khoản 1 Điều 116 của Bộ luật lao động; thời gian nghỉ để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc và thời gian bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội;

b) Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Thời gian người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian người sử dụng lao động đã chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật;

c) Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng), trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 06 tháng trở lên được tính bằng 01 năm làm việc".


Vì bạn không nói rõ thời gian bạn làm việc tại công ty là từ khi nào, cho nên bạn có thể dựa vào quy định trên đây để xác định thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc. Tiền lương làm căn cứ để tình trợ cấp thôi việc của bạn là Bình quân lương ký hợp đồng trong vòng 6 tháng liền kề (từ tháng 3/2015-8/2015) là 18.700.000. từ đó, bạn có thể tính được trợ cấp thôi việc mà bạn có thể được hưởng.

Trợ cấp thôi việc sẽ được tính theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 17/2009/TT-BLĐTBXH của Bộ lao động – thương binh và xã hội quy định Công thức tính trợ cấp thôi việc ở từng doanh nghiệp

“3. Cách tính và chi trả tiền trợ cấp thôi việc:

a) Công thức tính trợ cấp thôi việc ở từng doanh nghiệp:

 
    Tiền trợ cấp
      thôi việc
= Tổng thời gian làm việc
tại doanh nghiệp tính
 trợ cấp thôi việc
x  Tiền lương làm
 căn cứ tính trợ
   cấp thôi việc
x 1/2
 

Còn về trợ cấp thất nghiệp, điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại điều 49 Luật việc làm 2013:
"Điều 49. Điều kiện hưởng
Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

e) Chết".


Theo đó, nếu bạn đã đạp ứng đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp nêu tren thì bạn sẽ được tổ chức bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp thất nghiệp. Mức, thời gian và thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ thực hiện theo điều 50 Luật việc làm năm 2013 như sau:

"Điều 50. Mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp

1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

3. Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này".


Như vậy, bạn sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp tính theo tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, bạn đóng đủ 12 tháng thì được hường 3 tháng trợ cấp thất nghiêp, sau đó cứ đóng đủ thêm 12 tháng  thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Điều kiện hưởng và cách tính trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !
CV: Nguyễn Thùy - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo