Lò Thị Loan

Công ty bắt buộc người lao động phải trả lại tiền thưởng tết đúng hay không?

Tiền thưởng nói chung và tiền thưởng Tết nói riêng là khoản tiền mà người sử dụng lao động hay chủ công ty thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả của việc sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc, công tác của người lao động. Vậy doanh nghiệp có quyền đòi lại tiền thưởng tết không? Trường hợp công ty bắt buộc người lao động phải trả lại tiền thưởng tết theo như bản cam kết khi hợp đồng lao động hết thời hạn thì có đúng không?

Đây là thắc mắc của rất nhiều người đã liên hệ với Luật Minh Gia để được hướng dẫn. Nếu bạn cũng có thắc mắc tương tự thì hãy liên hệ với chúng tôi

1) Luật sư tư vấn quy định pháp luật về tiền thưởng tết của người lao động.

Khi bạn có thắc mắc và liên hệ với Luật Minh Gia, Luật sư chúng tôi sẽ hướng dẫn, tư vấn để bạn nắm được các quy định về tiền thưởng tết của người lao động như:

+ Nắm được các quy định của pháp luật về tiền thưởng tết của doanh nghiệp;

+ Nắm được các quy định về trường hợp người lao động không được nhận tiền thưởng tết;

+ Biết được những trường hợp nào doanh nghiệp có quyền đòi lại tiền thưởng tết;

Để liên hệ với chúng tôi và yêu cầu tư vấn, bạn vui lòng gửi câu hỏi hoặc Gọi: 1900.6169 , bên cạnh đó bạn có thể tham khảo thêm thông qua tình huống chúng tôi tư vấn sau đây: 

2) Quy định pháp luật về tiền thưởng tết của người lao động.

Nội dung tư vấn: Xin chào Luật sư Luật Minh Gia,Tôi công tác tại một công ty vận tải biển, ký hợp đồng lao động 1 năm. Khi ký hợp đồng lao động công ty yêu cầu nộp bằng đại học gốc và có lập biên bản giao nhận, trong thời gian làm việc tôi phải đóng 100% bảo hiểm. Cuối năm 2017, trong bản nhận xét đánh giá xếp loại nhân viên, công ty yêu cầu các nhân viên ghi thêm một dòng là cam kết trả lại tiền thưởng tết năm 2017 nếu nghỉ việc năm 2018 và ký xác nhận. Tháng 4 năm 2018, hợp đồng của tôi hết hạn, công ty phát một biểu mẫu trong đó có mục nguyện vọng ký hợp đồng tiếp hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, tôi đã lựa chọn không tiếp tục ký tiếp hợp đồng lao động. Công ty sau đó yêu cầu tôi hoàn trả lại tiền thưởng tết trong năm 2017, tuy nhiên do điều kiện kinh tế tôi không có đủ để trả số tiền thưởng tết đã nhận. Công ty yêu cầu viết một cam kết giữ lại lương tháng cuối cùng để trả một phần và cam kết trả nốt toàn bộ số tiền còn lại trong vòng 6 tháng. Hiện tại tôi vẫn chưa đủ tiền để trả, công ty vẫn đang giữ bằng đại học và sổ bảo hiểm của tôi, yêu cầu tôi phải thanh toán toàn bộ mới trả lại giấy tờ. Tôi cũng đã liên hệ bảo hiểm xã hội quận để nhờ can thiệp lấy sổ bảo hiểm xã hội nhưng không được, công ty còn gọi điện dọa sẽ đến tận nhà để đòi tiền.Vậy tôi xin hỏi luật sư việc công ty yêu cầu cam kết trả lại tiền thưởng tết năm ngoái khi chấm dứt hợp đồng lao động năm sau có đúng pháp luật không. Tôi có bắt buộc phải hoàn trả tiền thưởng tết do đã ký cam kết với công ty như trên không. Tôi không vi phạm quy định nào trong hợp đồng lao động với công ty và các nội quy trong quá trình làm việc, việc tôi chấm dứt hợp  đồng lao động với công ty là do hợp đồng đã hết hạn và tôi không có nguyện vọng tiếp tục làm việc. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, vấn đề của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, ký kết hợp đồng lao động và tiền thưởng tết.

Đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn 1 năm, theo quy định tại Điều 22 Bộ luật Lao động 2012 thì khi hết thời hạn một năm nếu người lao động muốn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới, nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng này sẽ trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Do vậy, nếu khi hết thời hạn một năm bạn không có nguyện vọng tiếp tục làm việc và ký kết hợp đồng lao động mới, bạn hoàn toàn có quyền được nghỉ.

Việc Công ty yêu cầu người lao động cam kết trả lại tiền thưởng, căn cứ vào Điều 103 quy định về tiền thưởng như sau:

“1. Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở”.

Theo đó, quy chế thưởng, điều kiện để được thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở, khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động là căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Vấn đề bản cam kết trả lại số tiền thưởng tết năm 2017 nếu nghỉ vào năm 2018 sẽ do công ty và người lao động thỏa thuận, trường hợp này pháp luật không cấm, nếu người lao động đồng ý thì ký vào và phải thực hiện theo đúng bản cam kết đó. Do vậy, khi bạn nghỉ vào năm 2018 (nghỉ không đúng với bản cam kết đã ký) thì bạn sẽ phải trả lại khoản tiền thưởng tết năm 2017 cho công ty, kể cả bạn nghỉ do hợp đồng lao động hết hạn.

Thứ hai, công ty giữ lại văn bằng, giữ tiền lương, sổ bảo hiểm xã hội.

 Người sử dụng lao động không được phép giữ lại bằng đại học gốc của bạn, bởi lẽ căn cứ vào Điều 20 Bộ luật Lao động 2012 quy định về những hành vi người lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng, trong đó có quy định "không được giữ lại bản chính văn bằng, chứng chỉ của người lao động".  

Vấn đề đóng bảo hiểm xã hội, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động hàng tháng, trích từ tiền lương của người lao động. Do đó, nếu bạn có căn cứ chứng minh trong suốt quá trình làm việc theo hợp đồng lao động công ty yêu cầu bạn phải tự đóng bảo hiểm xã hội, thì bạn có quyền yêu cầu công ty trả lại khoản tiền đó, nếu công ty không trả thì bạn có quyền khiếu nại đến Phòng Lao động - Thương Binh - Xã hội nơi công ty đặt trụ sở để được giải quyết.

Việc công ty giữ sổ bảo hiểm, tiền lương của bạn thì căn cứ theo khoản 2, 3 Điều 47 Bộ luật Lao động 2012 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng như sau:

"2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động".

Theo đó, trong 7 ngày làm việc (kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động), hai bên có trách nhiệm thanh toán đấy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên (bao gồm cả tiền lương những ngày mà bạn đã làm việc), công ty phải xác nhận và trả sổ bảo hiểm xã hội cùng những giấy tờ khác mà công ty đã giữ lại của bạn, trường hợp không trả thì bạn có quyền làm đơn khiếu nại lên Giám đốc công ty, nếu không được giải quyết thì bạn có quyền làm đơn gửi đến Phòng Lao động – Thương binh – Xã hội nơi công ty đặt trụ sở hoặc khởi kiện ra Tòa án để buộc phải trả lại tiền lương tháng cuối, bằng đại học gốc và sổ bảo hiểm xã hội.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo