Lò Thị Loan

Chấm dứt HĐLĐ trước khi sinh con thì có được hưởng chế độ thai sản không?

Chế độ thai sản là một trong những chế độ quan trọng của bảo hiểm xã hội, đặc biệt là đối với lao động nữ. Vậy, điều kiện để được hưởng chế độ thai sản của bảo hiểm xã hội là gì? Có được hưởng chế độ thai sản khi đã chấm dứt hợp đồng hay không? Luật Minh Gia tư vấn các vấn đề trên như sau:

1. Luật sư tư vấn về chế độ thai sản cho người lao động

Hiện nay, Luật bảo hiểm xã hội và các văn bản pháp lý hướng dẫn liên quan đã có những quy định cụ thể về điều kiện hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội. Các điều kiện này chủ yếu về các nội dung liên quan đến tình trạng của người lao động, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và quá trình đóng bảo hiểm. Nếu bạn đang có thắc mắc về điều kiện hưởng của các chế độ bảo hiểm xã hội như: chế độ ốm đau, tai nạn, chế độ thai sản, bảo hiểm xã hội một lần … hãy gửi thắc mắc của mình về địa chỉ Email của công ty Luật Minh Gia hoặc liên hệ Hotline: 1900.6169 để được các Luật sư, chuyên viên pháp lý tư vấn các vấn đề như:

- Quy định pháp luật về Bảo hiểm xã hội;

- Tư vấn điều kiện hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội;

- Tư vấn tất các vấn đề pháp lý về bảo hiểm xã hội của người lao động.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống Luật Minh Gia đã tư vấn dưới đây để có thêm thông tin về các quy định của pháp luật cũng như đối chiếu với các trường hợp của mình.

2. Hỏi về điều kiện hưởng chế độ thai sản của bảo hiểm xã hội

Nội dung tư vấn: Chào luật sư,Cho tôi hỏi; cho đến nay công ty tôi đang làm việc đóng bảo hiểm cho tôi tháng 4 - 5, 7 – 10 (tháng 6/2019 công ty không đóng bảo hiểm). Ngày dự sinh của tôi là 31/3/2020 (cũng có bệnh viện dự kiến ngày sinh của tôi là 5/4/2020). Tôi dự định nộp đơn xin nghỉ việc hẳn ở công ty vào ngày 15/11/2019 để ở nhà nghỉ ngơi. Vậy tôi được hưởng lương chế độ thai sản khi sinh con vào năm 2020 không & mức tiền hưởng cũng như tất cả các khoản trợ cấp thai sản tôi sẽ được nhận khi đó trong trường hợp của tôi là như thế nào? Nếu không thì thời điểm nào nghỉ việc sẽ được đảm bảo các chế độ thai sản đầy đủ? Cảm ơn luật sư.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, vấn đề của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

- Thứ nhất, chấm dứt hợp đồng lao động trước khi sinh con thì có được hưởng chế độ thai sản không.

+ Căn cứ theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:

“1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lao động nữ mang thai;

b) Lao động nữ sinh con;

2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này”.

Theo quy định này, lao động nữ sinh con mà đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh thì sẽ đủ điều kiện để được hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản nhưng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản.

Đồng thời theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH về thời gian 12 tháng trước khi sinh con được xác định như sau:

“1. Thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được xác định như sau:

a) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

b) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này”.

Theo đó trường hợp sinh con trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con không được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Trường hợp sinh từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh con được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con; Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì được xác định như trường hợp sinh con trước ngày 15 của tháng.

Căn cứ vào thông tin bạn cung cấp, bạn dự sinh vào ngày 31/3/2020 và bạn muốn chấm dứt hợp đồng lao động vào ngày 15/11/2019 thì cũng giống như trường hợp bạn được bệnh viện khác dự kiến sinh vào ngày 05/4/2020 (như trường hợp sinh con trước ngày 15 của tháng), tức tháng sinh con của bạn không được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Khi đó thời gian 12 tháng trước khi sinh con đối với trường hợp dự kiến sinh con vào ngày 31/3/2020 của bạn được tính từ tháng 3/2019 đến tháng 02/2020, đối với trường hợp dự kiến sinh con vào ngày 05/4/2020 của bạn được tính từ tháng 4/2019 đến tháng 3/2020. Bạn đóng bảo hiểm xã hội tháng 4 và tháng 5/2019, từ tháng 7 đến tháng 10/2019 (tổng thời gian bạn đóng bảo hiểm xã hội của bạn đã được 06 tháng) trong khoản thời gian 12 tháng trước khi sinh ở cả hai trường hợp.

Vì vậy khi bạn sinh con vào thời điểm dự kiến (31/3/2020 hoặc 05/4/2020) hoàn toàn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014.

+ Thời gian hưởng chế độ khi sinh con được quy định tại Khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

“1. Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng”.

Khi bạn sinh con thì bạn được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau sinh con là 06 tháng, thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.

- Thứ hai, mức hưởng chế độ thai sản, trợ cấp một lần khi sinh con và quyền lợi khác của lao động nữ sau khi sinh con.

 + Mức hưởng chế độ thai sản: Căn cứ theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

“1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:

a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội”.

Theo đó mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

 + Đồng thời, khi bạn sinh con bạn còn được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng bạn sinh con theo quy định tại Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

“Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.

…”.

+ Ngoài ra, bạn còn có thể được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản nếu có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

“1. Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.

Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.

2. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe quy định tại khoản 1 Điều này do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:

a) Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;

b) Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;

c) Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.

3. Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở”.

Theo đó, bạn ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Khoản 1 Điều 34 thì còn được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản từ 05 ngày đến 10 ngày trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc nếu sức khỏe chưa phục hồi. Cụ thể số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe quy định tại khoản 1 Điều này sẽ do công ty và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở của công ty quyết định, trường hợp công ty bạn làm việc chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do công ty quyết định, trong đó: Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên, tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật, tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác. Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản bằng 30% mức lương cơ sở/ngày.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo