LS Hoài My

Tư vấn về tài sản, tiền trợ cấp nuôi con sau khi ly hôn

Chào luật sư cho em hỏi về tranh chấp tài sản vợ chồng và tiền trợ cấp nuôi con khi ly hôn như sau: Em và chồng ly hôn, đã có quyết định ly hôn ở Tòa án. Do ban đầu 2 vợ chồng thỏa thuận tài sản của chồng em để lại cho 2 mẹ con em (con em 4 tuổi). Nhưng chỉ thỏa thuận bằng miệng và email. Nên lúc ly dị, trong tờ quyết định ghi:

1/ Em không nhận trợ cấp của chồng (vì em quy đổi tài sản bằng tiên trợ cấp đến 18 tuổi).

2/ Tài Sản tự thỏa thuận.

3/ Nợ chung: không có. (Thực tế chồng em nợ 140 triệu . Em nợ 220triệu). Vì em nghĩ nhận trợ cấp từ chồng 320triệu, quy theo Tài Sản. Em nợ nhiều hơn cũng không sao). Nên em thỏa thuận là không có Nợ, tiền trợ cấp.

Nhưng lúc em yêu cầu chồng ra Văn phòng công chứng, để chứng là Nhà và đất Tặng lại cho con, hoặc để lại cho con em, thi chồng em không đồng ý đi, chưa đồng ý, luôn nói là cho thì cho chứ cần gì phải làm giấy công chứng. Em nghĩ về sau sẽ quay lại để chia Tài sản nữa. Trong khi 5 tháng nay em tự nuôi con một mình. Trường hợp của em, chỉ có thỏa thuận bằng mail thì em có thể làm đơn yêu cầu Tòa xử lại Tài sản và trợ cấp nuôi con không ạ?

Em có thể nhận tiền nuôi con 1 lần được không (quy đổi từ tài sản chung bằng tiền), vì chồng em là người nói không giữ lời thì sau này hàng tháng nhận thì chắc bị trể. Lẽ ra lúc đầu ở Tòa em nên ghi và đóng phí để giải quyết xong Tài sản này, nhưng do em không tìm hiểu Luật, nên sau khi nhận tờ Quyết định ghi là tài sản tự thỏa thuận em mới biết. Mặc dù lúc đó trong tờ khai em ghi không có tài sản chung. Mong Luật sư tư vấn giúp em. Để làm sao có lợi cho em và con em nhất.

Trả lời. Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia. Trường hợp này chúng tôi tư vấn cho bạn như sau.

- Thứ nhất là về yêu cầu Tòa án xử lại tài sản.

Theo thông tin bạn cung cấp thì khi yêu cầu ly hôn, vợ chồng bạn không yêu cầu Tòa án chia tài sản chung vợ chồng nên sau khi vợ chồng bạn đã được Tòa án ra quyết định cho ly hôn. Vì vậy, bây giờ bạn có yêu cầu Tòa án giải quyết tài sản chung vợ chồng thì Tòa án sẽ không giải quyết.

Điều 224 Bộ luật dân sự 2005 quy định về Chia tài sản thuộc hình thức sở hữu chung như sau:

“1. Trong trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu các chủ sở hữu chung đã thoả thuận không phân chia tài sản chung trong một thời hạn thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì được trị giá thành tiền để chia.

.......................................................................”

Như vậy, Tòa án không thụ lý đơn yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng do 2 bạn đã ly hôn nhưng bạn có thể yêu cầu Tòa án chia tài sản thuộc hình thức sở hữu chung.

- Thứ hai là về nghĩa vụ cấp dưỡng.

Điều 119 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về Người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng như sau:

“1. Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.

.............................”

Căn cứ vào quy định trên thì khi chồng bạn không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con bạn thì bạn có thể làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết.

- Thứ ba là về việc nhận tiền cấp dưỡng nuôi con 1 lần.

Điều 117 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về Phương thức cấp dưỡng như sau:

“Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.
Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”

Như vậy, phương thức cấp dưỡng nuôi con sẽ do 2 bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì bạn có thể yêu cầu Tòa án giải quyết để bạn nhận tiền cấp dưỡng nuôi con 1 lần. Tuy nhiên, phương thức cấp dưỡng nuôi con 1 lần thì Tòa án sẽ căn cứ vào tình trạng kinh tế của chồng bạn có khă năng cấp dưỡng 1 lần hay không. Nếu tình trạng kinh tế của chồng bạn không thể thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo phương thức 1 lần thì bạn sẽ không được nhận tiền cấp dưỡng nuôi con 1 lần.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo