LS Xuân Thuận

Tư vấn toàn quyền nuôi con và chia tài sản sau ly hôn

Luật sư cho hỏi: Tôi và chồng tôi kết hôn vào tháng 3/2013. Quá trình chung sống từ đó đến nay, chúng tôi không tìm được điểm hòa hợp mà chỉ thấy trái ngược nhau về mọi mặt, từ quan điểm sống, nhận thức, tư duy, sở thích. Những bất đồng trên khiến vợ chồng tôi thường xuyên cãi vã. Một số lần xung đột, chồng tôi còn đánh tôi dù rằng tôi đang bế con.

Về con cái: Chúng tôi có 2 con chung, bé gái lớn 29 tháng, bé trai nhỏ 6 tháng.
 
Về tài sản:
 
- Tài sản chung: 1 ngôi nhà cấp 4 được xây trên lô đất 60m2 mua theo diện quân nhân sau kết hôn và các tài sản khác phục vụ sinh hoạt. Để có tài sản này, chúng tôi phải chi khoảng 320 triệu.
 
- Tài sản riêng:
 
+ Tài sản của chồng: Chiếc xe máy chồng tôi đang sử dụng: Tuy được mua trước khi kết hôn nhưng do chồng tôi mua nợ, đến khi sinh con đầu lòng (tháng 11/2013) mới hết nợ.
 
+ Tài sản của vợ gồm có: 1 chiếc xe máy tôi hiện đang sử dụng, mua trước kết hôn, 4 gian nhà trọ cấp 4 trên 1 lô đất 74m2 do bố mẹ tôi chia cho từ phần tài sản của bố mẹ từ trước khi kết hôn, hiện bố mẹ đẻ tôi đang trông nom giúp vì được tách ra từ phần đất bố mẹ tôi đang sinh sống.
 
Về công việc: Chồng tôi là bộ đội, lái xe thường xuyên phải công tác đột xuất. Còn tôi là công an, làm việc theo giờ hành chính.
 
Về thu nhập: Chồng tôi thu nhập 6 triệu/tháng từ lương; tôi thu nhập từ lương 9 triệu/tháng và thu nhập từ nhà trọ cho thuê trên phần tài sản riêng khoảng 3 triệu/tháng (tổng là khoảng 12 triệu/tháng).
 
Về công nợ: Hiện chúng tôi còn nợ 70 triệu trong đó 60 triệu tiền mua nhà và đất và 10 triệu khám chữa bệnh cho con do chồng tôi ít đưa tiền sinh hoạt phí.
 
Về sinh hoạt:
 
- Các ngày nghỉ làm do chế độ đẻ, ngày lễ tết, cuối tuần, chúng tôi thường sinh hoạt tại ngôi nhà chung vì nhà này gần nơi chồng tôi công tác. Còn các ngày đi làm, chúng tôi sang bên ngoại để tiện tôi vừa công tác vừa có thể chăm sóc tốt cho vì bên đó điều kiện chăm sóc tốt hơn, gần nơi công tác và cũng là nơi tôi và các cháu đăng ký hộ khẩu, tiện cho việc học tập của các cháu sau này.
 
- Sinh hoạt phí của gia đình: trong thời gian từ kết hôn đến khi sinh con, chồng tôi không đưa lương hàng tháng mà để trả nợ xe máy, chúng tôi sống bằng tiền lương của tôi và các thu các khoản đồng nghiệp nợ của tôi từ trước khi kết hôn.
 
Khi mua nhà, chồng tôi có đưa 20 triệu là các khoản thu ngoài lương của chồng. Sau khi sinh con đầu tiên đến thời điểm chồng tôi còn ở đội xe, chồng tôi có đưa tiền sinh hoạt phí hàng tháng, chúng tôi đã tích cóp trả dần được 1 phần công nợ.
 
Xét về đóng góp, có thể coi thời gian từ khi kết hôn đến trước khi chồng tôi lên ban xe, chồng tôi có trách nhiệm với gia đình. Còn từ sau khi lên ban xe, chồng tôi không đưa sinh hoạt phí nữa. Nhiều lúc đi làm về chồng tôi thường than: Tiền lo sơn xe, sửa xe, ủng hộ việc nọ, quỹ kia, phải tạm ứng tiền công tác... Tôi vướng bận con cái không thể đi chợ, các thu nhập của tôi đều đưa cho chồng để chi tiêu nhưng không để ra được đồng nào để trả nợ ngoài việc lắp 1 chiếc điều hòa. Riêng việc mua TV là khoản tiền chế độ đẻ.
 
Tôi biết, chồng tôi còn dùng số tiền này để đánh bạc vì đã có người nhắn tin đòi nợ tiền đánh đề đến máy điện thoại của chồng tôi mà tôi vô tình bắt được.
 
Về điều kiện chăm sóc con cái: Chồng tôi thường xuyên công tác đột xuất, chế độ quân nhân phải thường xuyên ứng trực tại đơn vị, bố mẹ chồng ở xa không thể hỗ trợ. Việc chăm sóc, dạy dỗ con cái không thể được như tôi, nhất là những lúc chồng tôi đi công tác, nếu con tôi được chồng nuôi thì sẽ không thể chăm sóc con cái khi đó.
 
Ngược lại, tôi có nhiều điều kiện để chăm sóc con cái tốt hơn chồng (Có ông bà ngoại hỗ trợ, có thời gan, kinh tế... Nơi học tập của các cháu sau này cũng gần nơi tôi công tác).
 
Về nhân phẩm, tư cách: Chồng tôi là 1 người bạo lực, anh đánh tôi nhiều lần. Nếu cuộc sống hôn nhân vẫn tiếp tục duy trì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi.
 
Bên cạnh đó, chồng tôi là 1 người cờ bạc (đánh đề qua nhắn tin điện thoại). Chính vì đề đóm, anh hạn chế đóng góp sinh hoạt phí, việc trang trải nợ nần nhà cửa, sinh hoạt và chữa trị lúc con cái ốm đau phần nhiều cho tôi. Nếu để anh nuôi con, bản tính côn đồ và đam mê cờ bạc ảnh hưởng trực tiếp đến hình thành nhân cách và điều kiện vật chất của con.
 
Về tài sản chung, chồng tôi muốn chia đôi.
 
Về con cái, chồng tôi muốn nuôi cháu lớn.
 
Còn với tôi, tôi muốn được nuôi cả 2 con vì không yên tâm khi con tôi sống với người có nhân phẩm tư cách như chồng tôi. Về tài sản, tôi muốn được phân chia theo tỷ lệ đóng góp cho gia đình.
 
Với điều kiện, hoàn cảnh của tôi ở trên, tôi muốn toàn quyền nuôi 2 con, tôi cần phải thu thập tài liệu gì gì và làm để tòa án xét cho tôi nuôi 2 con và đảm bảo các quyền lợi khác cho tôi và các cháu. Cám ơn Luật sư.

 

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cần tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
 
1. Vấn đề giành quyền nuôi con
 
Vấn đề giành quyền nuôi con sau khi ly hôn đã được chúng tôi tư vấn tại bài viết “Tư vấn về giành quyền nuôi con” đã đăng trên trang web Luật Minh Gia.

Theo đó, khi các cháu đều chưa đủ 36 tháng tuổi, bạn sẽ có ưu thế hơn trong việc giành quyền nuôi cả hai cháu. Tuy nhiên, nếu sau khi một trong hai cháu hoặc cả 2 cháu đủ 36 tháng hai vợ chồng mới ly hôn đồng thời không thỏa thuận được vấn đề người trực tiếp nuôi các cháu thì người mẹ không còn được ưu tiên trong việc giành quyền trực tiếp nuôi cháu đã hơn 36 tháng tuổi và khi đó sẽ xem xét điều kiện mọi mặt của cả hai bên vợ chồng, bên nào có điều kiện mọi mặt tốt hơn thì bên đó trực tiếp nuôi các cháu.

Khi giải quyết phân xử quyền nuôi con với nhà có 2 con mà các cháu đủ 36 tháng tuổi, có trường hợp để đảm bảo quyền được trực tiếp nuôi con của bố mẹ, Tòa án phân xử cho mỗi bên bố mẹ nuôi 1 cháu. Tuy nhiên, với trường hợp của bạn để được nuôi cả 2 cháu, bạn nên tập trung vào điều kiện về thời gian chăm sóc các cháu và vấn đề bạo lực gia đình để nói lên việc để bạn là người trực tiếp chăm sóc các cháu là tốt hơn cả. Cụ thể, bạn có thể xin xác nhận của thủ trưởng đơn vị nơi chồng bạn công tác, xác nhận rằng tính chất công việc của anh ấy yêu cầu phải đi công tác thường xuyên và đột xuất, khó có thể sắp xếp trực tiếp chăm sóc các cháu. Về bạo lực gia đình, nếu chồng bạn từng bị xử phạt hành chính hoặc có biên bản của cơ quan chức năng giải quyết việc bạo lực gia đình trong đó xác nhận anh ấy từng có hành vi bạo lực gia đình thì bạn có thể cung cấp các văn bản này làm bằng chứng, nếu không có được các giấy tờ mà có người làm chứng chăng hạn như hàng xóm, thì cũng có thể xin xác nhận của hàng xóm về việc có thấy hành vi bạo lực của chồng bạn với gia đình… Khi có được các bằng chứng về bạo lực, bạn có thể nói rằng để các cháu sống cùng và được nuôi dạy bởi một người cha bạo lực như vậy sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn và sự phát triển nhân cách của các con.

2. Vấn đề phân chia tài sản
 
Vấn đề này được quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP và đã được tư vấn tại bài viết “Vấn đề giành quyền nuôi con và chia tài sản khi ly hôn” đã đăng trên trang web Luật Minh Gia.

Theo đó, nếu hai vợ chồng không thỏa thuận được vấn đề tài sản mà nhờ Tòa phân xử thì về nguyên tắc tài sản chung vợ chồng được chia đôi, tuy nhiên, có tính đến các yếu tố sau để chia phần khác đi: (1) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; (2) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung; (3) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; và (4) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

 

Như vậy, để có thể đòi được chia phần theo công sức đóng góp, bạn cần có chứng từ chứng minh được công sức đóng góp. Trường hợp không có được chứng từ này nhưng vẫn muốn được chia phần hơn, bạn có thể tập trung vào yếu tố lỗi của chồng trong việc dẫn đến ly hôn, cùng dựa trên các bằng chứng về cờ bạc và bạo lực gia đình đã thu thập để giành quyền nuôi con như ở trên để chứng minh lỗi dẫn đến ly hôn là do chồng để đáp ứng yếu tố thứ (4) ở trên.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo