Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Thủ tục bổ sung tên cha vào giấy khai sinh

Luật sư cho hỏi về thủ tục đăng ký bổ sung tên cha vào giấy khai sinh cho con như sau: 2 năm trước, tôi sinh con trong khi cha cháu đã bỏ đi. Tôi cho cháu mang họ mẹ và trong giấy khai sinh của cháu không có tên cha. Tuy nhiên gần đây cha của cháu đã quay lại xin nhận con. Vì quyền lợi của con, tôi muốn biết việc bổ sung tên cha vào giấy khai sinh của con có thực hiện được không? Và cơ quan nào sẽ giúp chúng tôi trong việc này?

Trả lời: Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, đối với trường hợp trên chúng tôi tư vấn như sau:

Theo Điều 25 Luật hộ tịch năm 2014 quy định về đăng ký nhận cha, mẹ, con:

“1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.”

Như vậy, việc bổ sung tên người cha vào giấy khai sinh của người con là hoàn toàn có thể thực hiện được nếu việc nhận cha là hoàn toàn đúng, tự nguyện, không có tranh chấp và được sự đồng ý của người mẹ. Thời hạn thực hiện là 03 ngày kể từ ngày công chức tư pháp – hộ tịch nhận đủ giấy tờ hợp lệ theo quy định.

Như vậy, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ của người con sẽ thực hiện việc đăng kí nhận cha, con (hay chính là việc bổ sung tên người cha vào giấy khai sinh cho người con).

>> Luật sư giải đáp thắc mắc về bổ sung thông tin trong giấy khai sinh, gọi: 1900.6169

- Tư vấn thủ tục ghi tên người cha trên giấy khai sinh của con ngoài giá thú

Yêu cầu tư vấn: Thưa luật sư, tháng 01 năm 2015 e lập gia đình, đến tháng 12/2015 em sinh con, tổ chức cưới hỏi được 2 bên gia đình chấp thuận và tổ chức trang trọng 2 họ ,nhưng không hiểu lý do gì mà chồng e đến giờ không chịu làm đăng ký cho con em,nên việc làm giấy khai sinh cho con gặp khó khăn, hiện tại trong giấy khai sinh của con ko có tên cha ,xin hỏi luật sư1.giờ e muốn bổ sung tên cha vào giấy khai sinh cho con( nhưng  Hiện tại vợ chồng e ko chung sống với nhau nữa) và em ko muốn sau này e  và chồng có tranh chấp về vấn đề nuôi con với nhau nên em đã thỏa thuận với chồng là con sẽ để em nuôi và anh đồng ý,nhưng e muốn viết bằng văn bản có hiệu lực rõ ràng để ko bị rắc rối về sau...Xin hỏi luật sư làm thế nào trong trường hợp em vẫn đồng ý bổ sung được tên cha trong giấy khai sinh  cho con em mà đảm bảo rằng sau này em ko có tranh chấp với chồng trong việc nuôi con ạ,tức là quền nuôi con thuộc về e ạGia đình em đưa ra ý kiến nói chồng em ghi một giấy xác nhận về việc sẽ để e nuôi con và ko có tranh chấp tranh dÀnh nuôi con về sau này rồi xin chữ ký ,dấu đỏ của cơ quan pháp lý ở phường xác  nhận) Xin hỏi luật sư em áp dụng cách trên có được không ạ và xác nhận của cơ quan pháp lý ở phường có  đủ cơ sở để làm bằng chứng đưa ra tòa nếu trong trường hợp chồng e xảy ra chanh chấp không ạ?

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn trường hợp của bạn như sau:

Thứ nhất, về vấn đề ghi nhận tên người cha trên giấy khai sinh

Điều 101 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về Thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con

1. Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp.

2. Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này.

Quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.”

Theo thông tin chị cung cấp, hai anh, chị chung sống với nhau như vợ chồng chỉ tổ chức đám cưới nhưng không đăng kí kết hôn. Do đó, con sinh ra được xác định là con ngoài giá thú. Khi làm giấy khai sinh chỉ xác định được tên mẹ trên giấy khai sinh. Nếu chị muốn ghi nhận tên người cha trên giấy khai sinh thì có thể áp dụng một trong hai trường hợp sau:

+ Trường hợp 1: người cha tự nguyện đăng kí nhận con( không có tranh chấp)

Điều 24  Luật hộ tịch năm 2014 quy định về Thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con

"Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con."

Điều 25  Luật hộ tịch năm 2014 quy định về Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con

"1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc."

Khi người cha tự nguyện đăng kí nhận cha con thì có thể nộp hồ sơ tại tạị UBND xã phường nơi con hoặc nơi người cha cư trú.

- Tờ khai đăng kí nhận cha con;

- CMND, sổ hộ khẩu của người cha;

- Giấy khai sinh của con;

- Giấy tờ chứng minh quan hệ cha con (kết quả giám định AND/ các đồ vật, giấy tờ, video chứng minh quan hệ cha con);

+ Trường hợp 2: Người cha không đồng ý nhận con (có tranh chấp)

Nếu người cha không đồng ý nhận cha con thì chị có thể làm đơn yêu cầu xác định quan hệ cha con gửi tới TAND để ra quyết định công nhận quan hệ cha con. Cụ thể:

- Đơn yêu cầu xác định quan hệ cha mẹ con;

- Giấy khai sinh của con;

- CMND, sổ hộ khẩu của người mẹ;

Thứ hai, về vấn đề giành quyền nuôi con

Để thỏa thuận về việc chị là người trực tiếp nuôi con có hiệu lực pháp luật thì cần có Quyết định/ Bản án của TAND. Do đó, nếu hai người tự thỏa thuận được về vấn đề nuôi con và vấn đề cấp dưỡng thì có thể yêu cầu tòa án công nhận thỏa thuận đó. Như vậy, anh, chị có thể làm đơn yêu cầu tòa án không công nhận quan hệ hôn nhân của hai người, thỏa thuận chị là người trực tiếp nuôi con và có chữ ký của hai bên. Cụ thể như sau:

- Đơn yêu cầu không công nhận quan hệ hôn nhân và thỏa thuận về quyền trực tiếp nuôi con;

- CMND, sổ hộ khẩu của anh và chị;

-  Bản sao giấy khai sinh của con;

- Xác nhận của địa phương anh, chị đã từng chung sống như vợ chồng với nhau;

Hồ sơ gửi tới TAND nơi anh hoặc chị đang cư trú.

Như vậy, việc hai anh chị lập biên bản cam kết với nội dung chị là người trực tiếp nuôi con có công chứng/chứng thực sẽ không có giá trị bắt buộc thực hiện. Thỏa thuận phải được ghi nhận bằng quyết định công nhận sự thỏa thuận về vấn đề nuôi con của TAND có giá trị bắt buộc thi hành. Tuy nhiên, nếu thời gian sau điều kiện về mọi mặt của người cha tốt hơn chị và người cha có ý muốn thay đổi người trực tiếp nuôi con thì có quyền gửi đơn yêu cầu TAND xem xét giải quyết.

Trên đây là nội dung tư vấn về: Thủ tục bổ sung tên cha vào giấy khai sinh. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Trân trọng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo