LS Hồng Nhung

Nếu hai vợ chồng ly thân thì chồng có quyền cấm vợ đến thăm con không?

Trường hợp đời sống hôn nhân mâu thuẫn kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được, một trong hai bên vợ chồng có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn. Khi đó, các vấn đề về con cái, tài sản sẽ được giải quyết theo thỏa thuận của các bên, nếu không thỏa thuận được Tòa án sẽ giải quyết căn cứ vào nguyện vọng và điều kiện của mỗi bên. Tuy nhiên, khi chưa giải quyết ly hôn mà vợ chồng ly thân; chồng là người trực tiếp trông nom, chăm sóc con thì có quyền hạn chế, cấm vợ đến thăm con hay không? Luật Mi

Nội dung tư vấn: Em chào anh chị phòng luật sư hôn nhân và gia đình. Vợ chồng em đã ly thân được 6 tháng 9 ngày. Từ ngày 26/01/2018 chồng em chửi và em đã đi lên ngoại luôn. Hôm đó chồng em không đuổi mà em ức chế quá em tự đi. Hôm sau em xuống dọn đồ thì chồng và mẹ chồng, bố chồng ra đuổi mạnh tay. Dọn đồ vài hôm không có người khiêng nên em đã nài nì mẹ đẻ em xuống khiêng đồ cho em. Thật ra thì 2 năm em ở nhà chồng, bị gia đình chồng và chồng chửi đuổi đánh gây ức chế tinh thần cho em. Nhất là bà mẹ chồng ác ghê ghớm có tiếng ở làng đã từng chửi đuổi nói những câu vô cùng xúc phạm đến em, chỉ mày chỉ mặt em. Hôm em đi thì chồng không cho em mang con đi. Chồng em bảo là mày không mang con đi được đâu, tao thách mày mang nó đi được đấy. Thế là em không mang con đi được. Em đi người không. Trong vòng 6 tháng, em đều xuống thăm con và chu cấp cho con đầy đủ thuốc men, sữa, quần áo. Đưa con đi khám bênh, xuống chăm con uống thuốc. Nấu cháo cho con ăn. Và em xin về nhưng ông bà và chồng còn dí dao chửi đuổi em không cho em về. Em xin phép cho bế con xuống ngoại chơi cũng không cho. Em nhớ con quá đã phải bắt con phóng xe nhanh về nhà ngoại. Nhưng chồng em dụ dỗ bảo mang con về thì cho về nhưng mãi chồng em không cho về. Trong quá trình ly thân em còn thấy chồng chát linh tinh với nhiều gái trên facebook. Đa số em xuống thăm đều đuổi em về đi, có lần không cho em vào, hoặc em đợi 30 phút mới mở cửa cho vào thăm con. Mẹ chồng còn nói nửa tháng cho xuống thăm 1 lần. Em thấy nhà này trái đạo lý quá, ngang tàng chà đạp lên luân thường đạo lý quá. Tách 2 mẹ con em, bắt con bỏ mẹ. Làm việc thất đức thiếu tình người. Đến nay đã được hơn 6 tháng. Chồng em đòi nhập khẩu cho con vào sổ hộ khẩu của ông bà nội cháu để cho con đi học. Em chưa cắt khẩu và có sổ hộ khẩu về nhà chồng. Lại bảo em nửa tháng xuống 1 lần. Gia đình chồng bảo là nếu không mang sổ hộ khẩu của bố mẹ đẻ em xuống để nhập khẩu vào sổ hộ khẩu của ông bà nội cháu thì đừng xuống thăm con nữa. Xuống tao khóa cửa. Chồng thì cũng không liên lạc với em mấy. Em và mẹ đẻ em xuống xin để cho em về thì chồng và gia đình chồng quá đáng không tiếp mà còn đuổi về. Chồng thì cố tình đi chơi.  Em sợ nhà này cướp con của em quá. Không cho em về, không đưa con em nuôi. Bây giờ em định làm đơn ly hôn chồng để em giành quyền nuôi con. Nếu để lâu thì ra tòa nhà này sẽ có lý lẽ bày đặt lên là bỏ con đi 6 tháng, không đủ tư cách đạo đức nuôi con. Em muốn thắng kiện giành quyền nuôi con.

Theo anh/chị em đi 6 tháng như thế có quyền nuôi con không? Nhưng em không bỏ con, vẫn chu cấp quan tâm yêu thương con. Do nhà chồng giằng con của em còn cấm không cho em xuống thăm đấy chứ. Liệu để lâu hơn thêm tháng nữa nhà này có cướp trắng con của em không? Em đang thẳng thắn với chồng là không cho vợ về thì đưa con, không đưa con thì em ra tòa đòi con. Em chồng còn thách dọa đánh nếu em bế con đi

Em rất mong anh/chị phòng luật sư hôn nhân và gia đình tư vấn giúp em. Em xin chân thành cảm ơn anh chị ạ!

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ thông tin bạn đã cung cấp, nếu đời sống hôn nhân của bạn mâu thuẫn kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì bạn có quyền yêu cầu toà án giải quyết ly hôn theo quy định tại Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:

“Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.”

Trong đơn yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn, bạn có thể yêu cầu tòa án giải quyết yêu cầu về người trực tiếp nuôi con. Để có thể giành quyền trực tiếp nuôi con bạn và chồng bạn có thể thỏa thuận, trường hợp có phát sinh tranh chấp thì Tòa án sẽ xem xét giao con cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:

“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Theo đó, nếu con dưới 36 tháng tuổi thì khi ly hôn bạn sẽ có quyền trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con. Trường hợp con bạn trên 36 tháng và dưới 7 tuổi thì để có thể được tòa án giao con cho bạn trực tiếp nuôi, bạn cần chứng minh được bạn có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc con tốt hơn chồng bạn về mọi mặt, đảm bảo con bạn phát triển tốt cả về thể chất lẫn tinh thần như:

- Thu nhập hàng tháng đảm bảo đời sống của trẻ;

- Có chỗ ở hợp pháp ổn định;

- Môi trường sống lành mạnh, đảm bảo cho sự phát triển cả về tinh thần lẫn thể chất của trẻ;

- Thời gian làm việc cố định, có thời gian gẫn gũi, chăm nom con;

Kèm theo các bằng chứng chứng minh bạn có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc con, bạn cũng cần phải chứng minh được chồng bạn không có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc con như:

- Hành vi của chồng bạn khi không tôn trọng bạn gây ảnh hưởng đến sự phát triển về mặt tinh thần của trẻ;

- Đồng thời môi trường sống của gia đình chồng có thể ảnh hưởng đến con bạn khi có hành vi đánh đập hoặc ngăn cấm không cho bạn đến thăm nom, chăm sóc con...

(Việc bạn ly thân với chồng 6 tháng và trong thời gian này bạn vẫn chăm sóc, chu cấp đầy đủ con, không có dấu hiệu bỏ bê, không chăm lo cho con. Do đó, không phải là căn cứ để không trao quyền trực tiếp nuôi dưỡng con cho bạn).

Mặt khác, hành vi của chồng bạn và gia đình chồng khi đuổi bạn khỏi nơi cư trú, đánh đập, gây áp lực về mặt tinh thần hoặc ngăn cản bạn đến thăm nom, chăm sóc con có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Mục 4 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Và trong trường hợp này, nếu chưa thể giải quyết ly hôn ngay thì không ai có quyền “cướp trắng” con của bạn. Bởi lẽ bạn và chồng bạn có quyền và nghĩa vụ chăm sóc con ngang nhau và không ai có quyền hạn chế quyền này của bạn nếu chưa có quyết định, bản án của Tòa án hạn chế quyền thăm nom, chăm sóc con của bạn.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo