Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Giành quyền nuôi con khi ly hôn và yêu cầu cấp dưỡng nuôi con

Luật sư tư vấn về việc giành quyền nuôi con khi ly hôn và yêu cầu cấp dưỡng nuôi con, điều kiện để yêu cầu giành quyền nuôi con khi ly hôn? Trong trường hợp nào thì mẹ được quyền nuôi con? Văn bản pháp luật về hôn nhân và gia đình quy định chi tiết thế nào? Nội dung hỏi và trả lời tư vấn như sau:

1. Giành quyền nuôi con khi ly hôn và yêu cầu cấp dưỡng theo quy định pháp luật

Câu hỏi: Chào luật sư, cho em hỏi trường hợp: Anh ấy sinh năm 85,cháu 89. Có một bé trai đã 4 tuổi, đi học mầm non. 6 năm qua chúng cháu sống với nhau có nhiều chật vật nhưng vui vẻ, hòa thuận. 2 năm mới đây anh ấy thì có nhiều bằng cấp, có khả năng đi làm kiếm tiền còn cháu không có làm được việc gì nên nổi, lại yếu ớt ở nhà loay hoay dọn nhà cửa mà chưa xong, gọi là cháu không đảm đang gì cả. Mới đây thì cháu mới làm một số việc ở ngoài xã hội mong kiếm thêm thu nhập để khấm khá hơn,

Tài sản thì chẳng có gì, nhà cũng là nhà thuê,ko có ý kiến gì về tranh chấp, chỉ vấn đề ở đứa con. Anh ấy nói đã hết tỉnh cảm với cháu, cương quyết ly hôn và nuôi con. Nhưng cháu thì vẫn còn tình cảm với anh ấy và ko muốn ly hôn. Bất đắc dĩ nếu phải ly hôn, cháu nên làm thế nào? cháu nghĩ đến đứa con thôi. nếu xử con theo về với bố cháu ko biêt sẽ ra sao, cháu chẳng còn thấy ý nghĩa gì trong cuộc sống này nữa.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Công ty luật Minh Gia, nội dung bạn hỏi chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

I. Căn cứ để Tòa chấp nhận yêu cầu ly hôn:

Theo quy định tại Điều 55, Điều 56 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 thì căn cứ để tòa chấp nhận ly hôn cụ thể như sau:

Đối với trường hợp Thuận tình ly hôn:

Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.

Đối với trường hợpLy hôn theo yêu cầu của một bên

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

Mục đích của hôn nhân là xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững và do vợ chồng cùng vun đắp. Nếu một bên không chăm lo gia đình, hơn nữa lại có những thói quen xấu làm thiệt hại kinh tế chung, ảnh hưởng đến việc gây dựng và sự phát triển tính cách của con cái...thì coi như mục đích của hôn nhân không đạt được. Tuy nhiên, nếu vì mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng mà một bên cương quyết ly hôn thì việc Tòa án có chấp nhận yêu cầu ly hôn hay không sẽ phụ thuộc vào sự nhận định của Tòa về tình trạng hôn nhân của vợ chồng dựa trên những căn cứ nêu trên đây. Nếu xét thấy hôn nhân giữa hai bên còn cứu vãn được, Tòa án sẽ bác yêu cầu ly hôn. Ngược lại, nếu đủ căn cứ chứng minh hôn nhân không thể tiếp tục thì Tòa án sẽ chấp nhận yêu cầu ly hôn. Do đó, nếu bạn không muốn ly hôn, bạn có thể trình bày với Tòa án tình cảm và nguyện vọng đoàn tụ. Tòa án sẽ xem xét để quyết định có chấp nhận yêu cầu ly hôn của chồng bạn hay không.

II. Về quyền trực tiếp nuôi con khi ly hôn:

Tại Điều 81 Luật Hôn nhân gia đình 2014 về Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Về nguyên tắc, việc nuôi con khi ly hôn trước hết do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì  có thể yêu cầu Tòa án giải quyết, con dưới 36 tháng tuổi sẽ giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi mọi mặt cho con, Tòa án sẽ xem xét các yêu tố sau đây để đưa ra quyết định sẽ giao con cho ai nuôi dưỡng:

Điều kiện về vật chất bao gồm: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập… mà mỗi bên có thể dành cho con, các yếu tố đó dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ;

- Các yếu tố về tinh thần bao gồm: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm đã dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi giải trí, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn… của cha mẹ.

Vợ chồng bạn có 1 con chung 4 tuổi nên quyền ưu tiến đối với người mẹ không còn nữa. Thêm vào đó, như bạn trình bày thì chồng bạn là người có công việc, thu nhập ổn định trong khi bạn không có việc làm, không có thu nhập nên đây là điểm bất lợi của bạn khi giành quyền nuôi con với chồng. Do đó, nếu bạn muốn giành quyền nuôi con thì bạn phải chứng minh được rằng con ở với mẹ sẽ có điều kiện tốt hơn ở với bố và bạn có khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc con, bảo đảm cho con được các điều kiện về vật chất cũng như tinh thần. Muốn vậy, trước hết, bạn phải nhanh chóng tìm được việc làm,có thu nhập ổn định và thu nhập đó phải đảm bảo được cuộc sống cho cả  hai mẹ con.

III. Về vấn đề cấp dưỡng cho con

Theo quy định tại Điều 82 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 về Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì:

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Trong trường hợp hai vợ chồng ly hôn, dù con chung do vợ hay chồng trực tiếp nuôi dưỡng thì người kia cũng phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con trừ trường hợp hai bên tự nguyện thỏa thuận không yêu cầu cấp dưỡng. Tiền cấp dưỡng nuôi con theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 của Nghị định 70/2001/NĐ-CP ngày 3/10/2001 quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân – Gia đình sẽ được xác định căn cứ vào mức sinh hoạt trung bình tại địa phương nơi con cư trú, bao gồm các chi phí thông thường cần thiết về ăn, ở, mặc, học, khám chữa bệnh...Mức chi phí cấp dưỡng trước hết do hai vợ chồng thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của con Tòa án sẽ quyết định mức cấp dưỡng sao cho phù hợp nhất.

Tương tự như mức cấp dưỡng, phương thức cấp dưỡng cũng được xác định theo nguyên tắc ưu tiên sự thỏa thuận của các bên trước. Các bên có thể thỏa thuận cấp dưỡng theo định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì Tòa án sẽ quyết định phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng.

Như vậy, nếu con chung do bạn nuôi dưỡng thì chồng bạn phải có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con. Tiền cấp dưỡng trước hết do hai bên thỏa thuận. Do đó, bạn có thể đưa ra mức cấp dưỡng yêu cầu đối với chồng bạn từ 1-2 triệu. Nếu chồng bạn đồng thì thì mức cấp dưỡng sẽ tuân theo thỏa thuận. Nếu chồng bạn không đồng ý thì mức cấp dưỡng sẽ do Tòa án quyết định theo quy định nêu trên.

Ngược lại, nếu con chung chung do chồng bạn nuôi dưỡng thì bạn phải có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con, không phân biệt bạn có khả năng kinh tế hay không.

2. Thủ tục cải chính sai xót trong giấy khai sinh cho con sau khi vợ chồng ly hôn thế nào?

Câu hỏi: Thưa luật sư, hiện tại tôi vừa ly hôn nhưng trong giấy khai sinh của con tôi có một vấn đề nhầm lẫn đó là địa chỉ quê quán người mẹ, đã không đúng chính xác. Vì thế thông tin quê quán của người mẹ không trùng khớp với thông tin trong sổ hộ khẩu. Tôi có đọc các thông tin trên mạng về việc sửa lỗi trong giấy khai sinh, Vậy luật sư cho tôi hỏi là nếu tôi muốn sửa lại thông tin quê quán của người mẹ trong giấy khai sinh của con thì chỉ cần có sổ hộ khẩu và giấy CMND của người mẹ có được không ạ? Hay bắt buộc phải có giấy khai sinh gốc của người mẹ? XIn cảm ơn luật sư.

Trả lời: Đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn chúng tôi đã tư vấn như sau:

Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định Giá trị pháp lý của Giấy khai sinh

"1. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.

2. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.

3. Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh."

Theo nguyên tắc giấy khai sinh là giấy tờ gốc do đó muốn điều chỉnh thông tin về quê quán của người mẹ trên giấy khai sinh của con thì phải làm xuất trình các giấy tờ nhân thân của người mẹ. Nếu đã mất giấy khai sinh mà không thể trực tiếp về xin trích lục bản sao giấy khai sinh thì có thể ủy quyền cho người thân tại địa phương  đó giúp đỡ trong việc thực hiện.

Tuy nhiên, theo quy định về giấy tờ chứng minh cho việc có sai xót cải chính hộ tịch không đề cập rõ gồm những giấy tờ gì. Do vậy, bạn có thể yêu cầu cán bộ tư pháp hướng dẫn cụ thể và làm đơn yêu cầu xem xét giải quyết trường hợp của mình.

---

3. Tư vấn điều kiện để yêu cầu giành quyền nuôi con khi ly hôn

Câu hỏi: Chào luật Minh Gia ! Con em đến tháng 1 năm 2017 tròn 3 tuổi , vợ chồng em sống không hạnh phúc và thuận tình muốn ly hôn . Điều kiện của em là có 1 tài khoản thẻ ATM mang tên em 300 triệu đồng và 1 sổ quyền sử dụng đất mang tên của em . Em làm việc tự do , gđ bố mẹ em xuất thân từ nhà nông . Nhà cửa ổn định. Còn chồng em trong tay không có tài sản , không có thu nhập ,chưa bao giờ chu cấp tiền chăm sóc con .gd bố mẹ cũng suất thân từ nhà nông. Khi con em 14 tháng em đi làm tự do và tri trả tất cả khoản tiền chăm sóc con . Vợ chồng em đều làm ăn xa , con em ở với bố mẹ chồng . Đk sức khoẻ của bố mẹ chồng không tốt . Nhà cửa không ổn định .Về trình độ học vấn thì chồng em có bằng cao đẳng nhạc và 1 chứng chỉ sư phạm . Em thì chưa học hết lớp 12 . Nhưng dù có bằng nhưng chồng em làm việc tự do và không có thu nhập , không chi trả tiền chắm sóc con .vợ chồng em ở cùng tỉnh khác huyện  , nhưng khẩu của cả 2 vợ chồng chung với bố mẹ chồng , vợ chồng em không có tài sản chung. Sau khi ly hôn em sẽ ở gần và chăm sóc con . Sét về tất cả điều kiện thì liệu em có giành được quyền nuôi con không ? Và nơi em cần nộp hồ sơ ly hôn nơi đăng kí kết hôn hay nơi cư chú ạ ( giấy kết hôn em đăng kí bên nhà em ) . Mong sớm tư vấn cho em ? Em cảm ơn ! 

Trả lời tư vấn: Chàobạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn chúng tôi đã tư vấn một số trường hợp tương tự sau đây:

>> Điều kiện để yêu cầu giành quyền nuôi con khi ly hôn

Trường hợp, hai bên vợ chồng không thỏa thuận được vấn đề nuôi con khi giải quyết ly hôn thì có thể yêu cầu TAND giải quyết. TAND sẽ dựa trên các điều kiện về mặt chất, tinh thần của hai bên để xem xét ai đáp ứng tốt nhất quyền lợi cho đưa trẻ để quyết định giao quyền trực tiếp nuôi con cho người đó.

Về hồ sơ ly hôn, nếu chị làm thủ tục đơn phương ly hôn thì phải gửi tới TAND quận/huyện nơi người chồng đăng ký thường trú/ nơi đăng ký tạm trú. Nếu hai vợ chồng cùng thuận tình ly hôn thì có thể thỏa thuận nộp hồ sơ tại nơi một trong hai bên cư trú

----

4. Tư vấn giành quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi

Câu hỏi: Thưa luật sư! Vợ chồng tôi kết hôn được 1,5 năm và hiện tại đang có 1 con gái 8 tháng tuổi (sữa mẹ ít nên phải bú thêm sữa công thức). Nay tôi muốn li hôn đơn phương nhưng có khả năng chồng tôi cũng sẽ đồng ý. Vấn đề là anh ấy sẽ quyết liệt giành quyền nuôi con. Tôi là giáo viên dạy cách nhà 7km, tuần dạy có 4 ngày thôi, điều kiện sức khoẻ của tôi tốt. Nếu li hôn tôi sẽ về ở bên ngoại, ông bà ngoại buôn bán 1 buổi nên có thể giúp trông cháu phụ tôi. Điều kiện kinh tế khá giả. Còn chồng tôi làm việc trong ngành công an, bố chồng đã mất. Mẹ chồng 62 tuổi nhưng sức khoẻ tốt. Trước giờ chúng tôi đi làm thì Mẹ chồng giữ cháu, chồng tôi làm nghề này nên thời gian ở nhà không nhiều. Hơn nữa gia đình chồng không có thu nhập từ nguồn kinh tế nào, còn đang nợ ngân hàng 200 triệu. Nhưng tôi lo sợ vì chồng làm trong ngành quen biết nhiều nên sẽ bất lợi cho tôi trong việc giành quyền nuôi con! Nhờ luật sư tư vấn kĩ giùm ạ! Xin cảm ơn! 

Trả lời tư vấn: Chào chị! đối với yêu cầu hỗ trợ của chị chúng tôi đã tư vấn trường hợp tương tự thông qua bài viết "Tư vấn về trường hợp quyền nuôi con đối với con dưới 3 tuổi". Chị tham khảo để giải đáp thắc mắc của mình!

---

5. Quy định về quyền nuôi con dưới 36 tháng tuối khi ly hôn

Câu hỏi: Kính chào công ty Luật Minh Gia, Tôi  kết hôn được 18 tháng có con trai 9 tháng tuổi và đang mang thai khoản 3 tháng, hiện tại tôi và chồng tôi không có quan điểm chung nên không sống được với nhau (do chồng tôi lô đề cờ bạc vỡ nợ và đang bỏ đi nơi khác không có ở quê). Cách đây khoảng 10 ngày tôi có đưa cháu về nhà ngoại ở: 1 để chờ ly hôn , 2 chờ chồng tôi về giải quyetes, tôi đưa cháu về nhà ngoại được 2 ngày bà nội cháu ra đón cháu nói về chơi ăn giỗ nên tôi cho cháu về, sau buổi chiều tôi vào đón cháu gia đình nhà chồng không cho tôi đón cháu và còn nặng lời ới tôi, hôm đó tôi đành để con mình ở trong nhà nội và ra về, hôm sau tôi vào đón cháu thì gdinh nhà chồng cũng không cho đón và đưa con tôi đi chơi đến tối mịt mới về hòng cách ly mẹ con con. Ngay hôm đó tôi ở lại chờ cháu về và tối ở lại ngủ với còn khoảng hơn 10h đêm 2 mẹ con tôi đang ngủ thì bà nội cháu vào bế cháu không cho con ngủ với tôi. Tôi về nhà ngoại sau đó.   Chiều ngày hôm sau tôi về lại nhà chồng và nói con tôi ở đâu tôi ở đó và tôi ở lại nhà chồng vì con tôi (từ hôm ấy nhà chồng tôi ko nói gì tôi) nhưng thật sự trong tôi ko còn thoải mái hơn nữa tôi không có tâm trí gì nữa chỉ nghĩ đến con tôi cố gắng chịu đựng, tôi không khác gì người ở nhờ và vì con tôi cố gắng tất cả.   Hiện tại trong suy nghĩ của tôi chỉ muốn ly hôn để xử lý dứt điểm mọi chuyện và cho đầu óc tôi được nhẹ nhàng , sống có mục đích hơn, hiện tôi đang bế tác quá kính mong công ty tư vấn và giúp tối có một giải thoát trong thời gian này.   Tôi xin chân thành cảm ơn.  

Trả lời tư vấn: Chào bạn, đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn chúng tôi đã tư vấn một số trường hợp tương tự sau đây:

>> Quy định về quyền nuôi con dưới 36 tháng tuối khi ly hôn 

Nếu tình trạng của hai vợ chồng trầm trọng kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì chị có quyền yêu cầu TAND giải quyết ly hôn. Chị nên cân nhắc thật kĩ trước khi đưa ra quyết định của mình.

Nếu ly hôn,  2 bên không tự thỏa thuận được với nhau, yêu cầu tòa giải quyết về quyền nuôi con thì theo nguyên tắc con dưới 36 tháng sẽ do mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người  mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con. 

Trường hợp  này, con của chị 11 tháng tuổi và nếu chị cần chứng minh rằng mình có thời gian, có thu nhập để ứng những nhu cầu thiết yếu cho con thì tòa án sẽ quyết định cho chị là người trực tiếp nuôi con.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn giành quyền nuôi con trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169