Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Không thực hiện cấp dưỡng thì có được thăm nom con không?

Xin luật sư giúp em giải đáp thắc mắc về việc: Em và chồng cũ em đã ly hôn được 2 năm hiện tại con em đuoc 2 tuổi khi ly hôn em có thoả thuận với chồng Sẽ không cần trợ cấp nếu chồng em đồng ý đổi họ cho con em từ họ cha Sang họ mẹ và chồng em chấp nhận điều kiện đó nếu em làm đơn cho Anh ký và em cũng đã hoàn tất việc đổi ho cho con em và giờ Gia đinh chồng cũ em muốn thăm con nếu em không đồng ý thì có phạm luật không?

Trả lời tư vấn: Chào anh/chị! Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi tư vấn như sau:

Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

"1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó."

Điều 83 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

"1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.

2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con."

Theo quy định trên, người cha không trực tiếp nuôi con thì có nghĩa vụ cấp dưỡng và quyền thăm nuôi con. Việc người cha không cấp dưỡng cho con là do người mẹ không yêu cầu. Nghĩa vụ cấp dưỡng cho con không gắn liền với quyền lợi thăm nom con. Do vậy, người vợ lấy lý do không cấp dưỡng cho con để hạn chế vấn đề thăm nom con của người cha là không phù hợp quy định pháp luật.

>> Tư vấn thắc mắc về nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn, gọi: 1900.6169

Vợ/chồng ngăn cản thăm non con có phải cấp dưỡng cho con không?

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Xin hỏi luật sư. Tôi ly hôn được 3 năm và có con được 6 tuổi, và tôi là người có nghĩa vụ chu cấp nuôi dưỡng. năm đầu tiên sau ly hôn tôi vẫn được đưa đón con đi chơi hoặc đưa về nhà tôi chơi 2tuần 1 lần và tôi cũng chu cấp đầy đủ tiền nuôi dưỡng. Nhưng 2 năm nay tôi không được thăm nom con. 

Kể cả gặp cũng k vì vợ cũ tôi bầy ra những lý do khác nhau để không cho tôi gặp hay đưa đón đi chơi vì thế tôi nghĩ mình mất quyền thăm nom nên tôi không đóng tiền chu cấp nữa. Như vậy thì tôi có vi phạm Pháp luật không

Trả lời tư vấn: Chào anh! Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh chúng tôi tư vấn như sau:

Điều 110 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con

"Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con."

Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình khi anh không phải là người trực tiếp nuôi con thì anh có nghĩa vụ phải cấp dưỡng cho con. Về việc người vợ có hành vi cản trở quyền thăm nuôi con của anh thì anh có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án hoặc CA xã phường can thiệp giải quyết đảm bảo quyền lợi cho anh. Do đó, anh không có quyền không cấp dưỡng cho con vì lý do người mẹ cản trở không cho thăm gặp.

---

Yêu cầu cấp dưỡng cho con và hạn chế quyền thăm nom con sau khi ly hôn quy định thế nào?

Câu hỏi: Tôi và chồng cũ ly hôn từ năm 2012. Yêu cầu trợ cấp 1.5 tr/ tháng. Nhưng chồng cũ ko thực hiện với lý do không có tiền. Khi nào giầu sẽ chu cấp gấp 5,10 lần như thế. Tôi có lên bộ phận thi hành án của toà án nhân dân huyện từ liêm (cũ) để khiếu nại. Tuy nhiên, bên thi hành án yêu cầu tôi làm đơn đặc biệt phải cung cấp địa chỉ, tên cơ quan nơi làm việc và mức lương của chồng cũ. Việc này tôi ko quan tâm nên tôi ko hỏi. Và tôi nghĩ không được câu trả lời đúng.

Nhưng tôi tin chắc mức lương trên 7 triệu. Đến nay đã gần 5 năm, con tôi chưa nhận đc một đồng trợ cấp nào? Hơn thế nữa, chồng cũ vẫn trọ gần chỗ mẹ con tôi nhưng khoảng 2-3 th sang thăm cháu/ lần. Tôi ko cấm đoán nhưng mỗi lần sang là cho cháu đi mua những đồ ko cần thiết, chiều theo ý cháu và đặc biệt là chơi điện thoại suốt cả buổi. Việc này khiến cháu có tư tưởng rằng mẹ ko chiều thì con sẽ về với bố. Khiến việc dậy cháu gặp nhiều khó khắn. Tôi đa góp ý nhưng ko sửa. Vậy, kính mong luật sư giúp tôi trình tự để tôi yêu cầu thực hiện trách nhiệm nuôi dưỡng con (dù số tiền ko nhiều nhưng là điều cháu đáng được hưởng). Hơn nữa bố cháu đi rêu rao là chu cấp đầy đủ cho cháu hàng tháng. Tôi xin cảm ơn!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

Căn cứ theo Điều 31 luật thi hành án sửa đổi năm 2014 quy định về tiếp nhận, từ chối yêu cầu thi hành án:

“1. Đương sự tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện. Người yêu cầu phải nộp bản án, quyết định, tài liệu khác có liên quan. Ngày yêu cầu thi hành án được tính từ ngày người yêu cầu nộp đơn hoặc trình bày trực tiếp hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.

2. Đơn yêu cầu phải có các nội dung sau đây:

a) Tên, địa chỉ của người yêu cầu;

b) Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu;

c) Tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án;

d) Nội dung yêu cầu thi hành án;

đ) Thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu có;

e) Ngày, tháng, năm làm đơn;
g) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm đơn; trường hợp là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của pháp nhân,

nếu có…”

Khi có yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự phải có đơn yêu cầu bao gồm các nội dung theo quy định trên. Trong đơn yêu cầu thi hành án bạn phải cung cấp được tên, địa chỉ của chồng cũ (người phải thi hành án) để cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền để thực hiện các biện pháp điều tra, xác minh, cưỡng chế thi hành án. Đối với việc xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của chồng cũ như: tài sản hiện có, mức lương hàng tháng v.v.. thuộc trách nhiệm của bên cơ quan thi hành án dân sự. Tuy nhiên, pháp luật khuyến khích người được thi hành án dân sự cung cấp thêm chứng cứ, tài liệu về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án nếu có điều kiện (không bắt buộc). Nếu cơ quan thi hành án dân sự trả lại đơn yêu cầu thi hành án vì lý do bạn không xác minh được điều kiện thi hành án của chồng cũ là sai quy định của pháp luật, bạn có thể làm đơn khiếu nại gửi đến thủ trưởng cơ quan yêu cầu giải quyết, xử lý.

Theo điều 30 luật thi hành án dân sự sửa đổi năm 2014 thì trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì bạn có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ đối với cấp dưỡng thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

Căn cứ theo Điều 82 luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn (đã được trích dẫn tại phần trên)

Theo đó, bạn không được cản trở, hạn chế việc chồng cũ của bạn tới thăm nom con. Tuy nhiên, trong trường hợp chồng bạn lạm dụng việc thăm nom để cản trở, gây ảnh hưởng xấu tới việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của chồng cũ.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hộ trợ pháp lý khác Anh/chị vui lòng liên hệ bộ phận luật sư trực tuyến của chúng tôi để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo