Nghĩa vụ cấp dưỡng cho con khi ly hôn được quy định thế nào?
Mục lục bài viết
1. Tư vấn quy định về cấp dưỡng cho con khi ly hôn
Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật hôn nhân gia đình.
Vì vậy đây là một trong những nghĩa vụ bắt buộc người bố hoặc mẹ phải thực hiện sau khi ly hôn. Vậy nếu bên còn lại không thực hiện thì phải xử lý như thế nào? Đây là thắc mắc của rất nhiều người đã liên hệ với Luật Minh Gia để được hướng dẫn. Nếu bạn cũng có thắc mắc tương tự thì hãy liên hệ với chúng tôi
Để liên hệ với chúng tôi và yêu cầu tư vấn, bạn vui lòng gửi câu hỏi hoặc Gọi đến bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến, bên cạnh đó bạn có thể tham khảo thêm thông qua tình huống chúng tôi tư vấn sau đây:
2. Nghĩa vụ cấp dưỡng cho con khi ly hôn theo quy định thế nào?
Câu hỏi:
Chào luật sư Luật Minh Gia, Tôi và chồng tôi kết hôn tháng 5 năm 2009, trong thời gian đó tôi nuôi 2 con bằng tiền lương của mình kiếm được, chồng tôi lo kinh doanh và trả khoản nợ do mua xe còn thiếu. Cho đến tháng 10 năm 2013 do tôi bị bạo lực gia đình nhiều năm liền tôi đã nộp đơn ly hôn, nộp đơn xong 3 mẹ con tôi phải đi ở nhờ nhà người thân do chồng tôi uy hiếp đến tính mạng. Khi ra tòa trả lời các yêu cầu của Tòa thì chồng tôi lại nói rằng hàng tháng trước đó chồng tôi vẫn gửi tiền nuôi con và cho đến tháng 7 năm 2013 thì mới không gửi.
Vì không muốn đôi co về việc trên tôi có yêu cầu chồng tôi trợ cấp nuôi con từ tháng 7 năm 2013 đến nay (theo lời khai của anh ta tại tòa) thì anh ta lại nói rằng, từ tháng 7 năm 2013 do anh ta phải đang trả khoản nợ chung do mua xe ô tô cho nên việc trả nợ chung đó được tính vào là việc trợ cấp cho con hàng tháng. Do vậy anh ta sẽ không trợ cấp cho 3 mẹ con tôi tính từ tháng 7 năm 2013 đến nay. Anh ta làm vậy có đúng không? có luật nào quy định rõ trả nợ chung và trợ cấp nuôi con là 2 việc khác nhau không? và có luật nào bắt buộc anh ta phải trợ cấp cho 3 mẹ con tôi từ tháng 7 năm 2013 không? Xin các luật sư trả lời giúp tôi. Xin chân thành cám ơn!
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng Công ty luật Minh Gia, nội dung bạn hỏi chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Theo quy định tại Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014 về tài sản chung của vợ chồng thì:
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Như vậy, chiếc xe ô tô trả góp của anh chị được xây dựng trong thời kỳ hôn nhân nên nó được xác định là tài sản chung của vợ chồng.
Các khoản nợ trong thời kì hôn nhân mà đến nay anh chị vẫn chưa trả xong thì pháp luật vẫn xác định đó là nghĩa vụ chung của anh chị.
Khi anh chị nộp đơn xin ly hôn và thực hiện thủ tục ly hôn, chị có quyền yêu cầu chồng chị cấp dưỡng tiền nuôi con, nghĩa vụ cấp dưỡng này không liên quan đến khoản nợ chung của vợ chồng, cụ thể được quy định cụ thể tại Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 như sau:
1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Mức cấp dưỡng cho con do cha, mẹ thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thoả thuận. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì tuỳ vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý.
Về phương thức cấp dưỡng do các bên thoả thuận định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì Toà án quyết định phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng.
Nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ bắt buộc đối với người không trực tiếp nuôi con.
Trong trường hợp này, chồng chị lấy lý do trả khoản nợ chung nên không cấp dưỡng cho con là trái quy định pháp luật.
----
3. Con sinh ra khi bố mẹ ly hôn thì khai sinh như thế nào?
Hỏi:
Em xin chào văn phòng luật gia minh. em có thắc mắc muốn xin được giải đáp ạ.em và chồng cũ lấy nhau được 5 năm, có 2 đứa. lúc làm thủ tục chờ ly hôn không may tôi có thai thêm đứa thứ 3 . em đã đẻ đúng lúc ra tòa xử ly hôn. ly hôn xong em lấy chồng hiện tại. nay em muốn làm giấy khai sinh cho đứa thứ 3 theo họ của chồng hiện tại. nhưng bên pháp lý yêu cầu phải làm xét nghiệm adn. em có làm xét nghiệm kết quả là của chồng cũ. Người ta không làm giấy khai sinh theo họ chồng hiện ta được. mà em không biết nơi ở hiện tại của chồng cũ ở đâu. giờ em đang rất rối, không biết phải làm như thế nào mới có thể cho đứa thứ 3 mang họ chồng hiện tại được? em xin nhờ luật sư tư vấn giùm ạ. em cảm ơn ạ.
Trả lời:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn chúng tôi tư vấn như sau
Theo quy định tại Điều 88 Luật hôn nhân và gia đình 2014, cháu bé thứ ba được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân thì vẫn coi là con ruột của bạn và người chồng cũ. Cụ thể:
"Điều 88. Xác định cha, mẹ
1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định."
Người chồng hiện tại của bạn có quyền gửi đơn yêu cầu đến Tòa án để công nhận mối quan hệ cha con với cháu thứ ba trong trường hợp cháu thứ 3 là con ruột của anh. Tuy nhiên, thực tế kết quả xét nghiệm ADN đã xác định cháu thứ 3 là con của chồng cũ. Do đó, người chồng hiện tại của bạn không thể được công nhận là cha của cháu thứ ba.
Bạn chỉ có thể khai sinh cho cháu thứ ba với nội dung "Họ và tên cha" trong giấy khai sinh là họ tên của người chồng cũ.
---
4. Tư vấn về chia tài sản chung và nghĩa vụ cấp dưỡng khi ly hôn
Nội dung đề nghị tư vấn:
Em tên V, hiện 21 tuổi, có 1 chị 22 tuổi, cả 2 đều đang theo học đại học và chưa có việc làm. Ba mẹ e kết hôn từ năm 1992, chung sống với nhau được 13 năm, tới năm 2005 thì ba em dọn ra ngoài ở vì có người phụ nữ khác hiện tại đã và đang sống ở nhà người phụ nữ đó, và có với nhau 2 người con, em không biết rõ tên của 2 bé đó, chỉ biết bé nhỏ nhất sinh năm 2007 học lớp 1. Năm 1993 ông nội em có cho ba mẹ 1 miếng đất khoảng 60m2 làm nhà ở, có sổ hồng đứng tên ba em, nhưng không có sổ hộ khẩu. Trong khoảng thời gian ba mẹ em ly thân thì việc nuôi dưỡng và chăm sóc 2 chị em đều do mẹ, ba hoàn toàn không chu cấp 1 khoản tiền nào cả, trong những lần em nằm bệnh viện thì ba cũng không có chu cấp tiền thuốc hay hỏi thăm nào. Năm 2006 hay 2007 mẹ em có nộp đơn lên toàn xin ly hôn nhưng ba không đồng ý và đến bây giờ sau khi em, và chị đều qua 18 tuổi ba lại nộp đơn lên toà xin ly hôn. Về kinh tế cả 3 mẹ con em đang phụ thuộc vào gia đình bên nội, mẹ em hiện đang làm việc & bán hàng cho gia đình cô ruột, em và chị học ở Sài Gòn cũng ở trong nhà cô chú.
Từ năm 2010 trở về trước đó 1 năm ba em về nhà được khoảng 2 lần nhưng chỉ về khoảng 10 phút rồi đi ngay, sau năm 2010 thì không lần nào về nhà cả. Năm 2011 em bị người phụ nữa đó đánh ngay trên đường. Vì nhà bạn thân em cùng đường với người phụ nữ đó, em chạy xe sau lưng và bị cho là đi theo dõi nên đã hăm doạ và đánh em ngay trên đường, tới khoảng 5 giờ chiều hôm đó chị em của người đó gọi điện và qua chỗ làm việc hăm doạ mẹ em, tới khoảng 7 giờ tối bắt mẹ em và em phải qua xin lỗi nếu không thì sẽ không cho buôn bán ở chợ nữa.
Cho em xin hỏi nếu ly hôn thì mẹ em có được bồi thường thiệt hại hay là vẫn chia đôi tài sản theo pháp luật và nếu kiện thì sẽ như thế nào ạ, có nắm chắc phần thắng không ạ.
Nếu kiện lại ba em hoặc không đồng ý ly hôn thì em sợ người đó lại có hành vi hăm doạ mẹ em lần nữa. Em rất mong ý kiến phản hồi từ Luật sư. Em xin chân thành cảm ơn!
Trả lời tư vấn:
Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Theo điều 33, Luật hôn nhân gia đình 2014 đã được trích dẫn tại phần tư vấn (1) thì:
Theo như bạn trình bày, năm 1993 ông nội bạn có cho ba mẹ 1 miếng đất khoảng 60m2 làm nhà ở, có sổ hồng đứng tên ba em, nhưng không có sổ hộ khẩu như vậy thì miếng đất đó thuộc quyền sử dụng chung của ba mẹ bạn theo quy định tại khoản 1 điều 33 luật này bởi nó là tài sản được tặng cho trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp của bố mẹ bạn mặc dù trong sổ hồng chỉ đứng tên ba bạn và không có sổ hộ khẩu. Do đó khi ly hôn thì mảnh đất 60m2 này được chia đôi.
Mặt khác về công sức nuôi dưỡng, chăm sóc của mẹ bạn đối với hai chị em bạn từ trước đến giờ sẽ không được thanh toán hay bồi thường thiệt hại vì trước đó không có thiệt hại nào xảy ra. Việc nuôi dưỡng con cái là quyền và nghĩa vụ chung cả vợ chồng nên nếu khi ba bạn không còn sống chung với gia đình bạn thì mẹ bạn có thể yêu cầu cấp dưỡng nhưng mẹ bạn đã không làm nên sau này không được bồi thường.Tuy nhiên sau này khi giải quyết ly hôn mẹ bạn có thể đề nghị Tòa án yêu cầu ba bạn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng đối với hai chị em bạn bởi mặc dù hai chị em bạn đã hơn 18 tuổi nhưng vẫn đang đi học và chưa có thu nhập để tự nuôi sống bản thân.
Ngoài ra đối với hành vi hăm dọa mẹ bạn của người phụ nữ đang sống chung với ba bạn, bạn có thể tố cáo lên cơ quan công an để được giúp đỡ.
---
5. Không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền tài sản?
Đề nghị tư vấn:
Bố mẹ tôi có ngôi nhà chung (khu tập thể cơ quan thanh lý) lúc đó chưa có sổ đỏ. Sau bố mẹ li dị, toà sử mẹ nuôi e trai tôi bố chu cấp tháng 50 ngàn đồng ( lúc đó tôi đi lấy chồng rồi) nhưng hàng tháng bố k đóng tiền chu cấp cho mẹ. Phần tài sản chung là ngôi nhà bố để lại 1/2 ngôi nhà cho e trai, hiện giờ mẹ và vợ chồng e trai ở, nay xảy ra mâu thuẫn mẹ muốn bán ngôi nhà để chia thì tôi có được quyền gì không? Và mẹ sẽ phải chia tài sản cho e trai như thế nào? Xin cảm ơn.
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Theo như bạn nói thì phần tài sản chung của bố mẹ bạn là 1 ngôi nhà và khi ly hôn bố bạn đã để lại cho em trai bạn ½ ngôi nhà đó là phần tài sản của bố bạn sau khi chia tài sản chung. Vậy nên phần ngôi nhà đó là nhà của em trai bạn.
Thứ nhất, nếu bố bạn coi rằng ngôi nhà đó là phần của bố bạn tặng cho em trai bạn thì: ngôi nhà chung của bố mẹ bạn hiện giờ được mẹ và vợ chồng em trai bạn ở thì nay muốn bán ngôi nhà thì tài sản đó sẽ chia đôi. Vì phần tài sản đó là tài sản chung, bố mẹ bạn mỗi người 1 nửa, bố bạn để lại cho em trai bạn như vậy mọi quyền quyết định về nhà đó và quyền sử dụng đất gắn liền với ngôi nhà đó là toàn quyền của em trai bạn. Phần còn lại là của mẹ bạn, bạn và em trai bạn sẽ không được hưởng nếu không được mẹ bạn cho phép.
Theo quy định tại Điều 158 Bộ luật dân sự 2015:
“Điều 158. Quyền sở hữu
Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật.”.
Chủ sở hữu là cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác có đủ ba quyền là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt tài sản. Mẹ bạn có quyền yêu cầu bố của bạn thực hiện toàn bộ nghĩa vụ cấp dưỡng đối với em bạn mà bố bạn chưa thực hiện.
Thứ hai, nếu bố bạn cho rằng ½ ngôi nhà đó là phần để lại để lo cho cuộc sống của em bạn (thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng) thì khi bán ngôi nhà đó mẹ bạn có quyền đối với ½ giá trị ngôi nhà và phần giá trị ngôi nhà đủ thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đối với em bạn, phần còn lại sẽ do bố bạn hưởng. Bạn và em trai bạn sẽ không được hưởng quyền về ngôi nhà đó nếu không được bố mẹ đồng ý cho hưởng.
Trên đây là nội dung tư vấn về: Nghĩa vụ cấp dưỡng cho con khi ly hôn được quy định thế nào?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư ly hôn để được giải đáp.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất