Luật sư Trần Khánh Thương

Hỏi về hợp đồng tiền hôn nhân của vợ chồng

Câu hỏi tư vấn: Chào luật sư, Em có 1 cửa hàng buôn bán cỡ vừa. Vợ chồng em thỏa thuận bằng miệng là vợ làm việc cho em. Em trả lương cho vợ như sau: bao cơm nước, tiêu xài, mua sắm + vợ nhận tiền lãi từ bán SIM thẻ mỗi tháng (nhưng vợ tự bỏ vốn nhập hàng, còn mặt bằng mua bán và các chi phí em trả).

Xin hỏi Luật sư nếu 2 vợ chồng em không sống chung nữa, và nếu vợ lật lọng đổi ý thì tài sản của em có phải chia cho vợ (và ngược lại) không ạ? Theo em được biết thì luật mới có Hợp đồng tiền hôn nhân. Xin hỏi có áp dụng trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn không? Nếu có thì thủ tục như thế nào, còn nếu không thì có cách nào thay thế không ạ? Cảm ơn luật sư.

Trả lời: Cảm ơn anh đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của anh chúng tôi tư vấn như sau:

Do thông tin bạn cung cấp chưa rõ ràng nên chúng tôi chưa xác định được quan hệ vợ chồng bạn có hợp pháp hay không. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì “hôn nhân là quan hệ vợ chồng sau khi kết hôn” (khoản 1, Điều 3 Luật Hôn nhân gia đình 2014). Như vậy, căn cứ làm phát sinh quan hệ vợ chồng là thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền.

Chế độ về nhân thân, tài sản, con cái ,… của vợ chồng theo Luật HNGĐ 2014 chỉ được áp dụng khi vợ chồng bạn có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.

Điều 28 Luật HNGĐ 2014 quy định về áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng như sau:

1. Vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận.

Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 33 đến Điều 46 và từ Điều 59 đến Điều 64 của Luật này.

Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được thực hiện theo quy định tại các điều 47, 48, 49, 50 và 59 của Luật này.

2. Các quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này được áp dụng không phụ thuộc vào chế độ tài sản mà vợ chồng đã lựa chọn.

Thuật ngữ “hợp đồng tiền hôn nhân” mà anh dùng có thể hiểu là thoả thuận về chế độ tài sản của vợ chồng. Theo đó, vợ chồng có thể thoả thuận về quyền sở hữu, quyền định đoạt đối với tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

Chế độ tài sản của vợ chồng theo thoả thuận không áp dụng đối với trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn.

Trường hợp nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật HNGĐ 2014.

Dẫn chiếu đến quy định tại Điều 15, 16 như sau:

Điều 15. Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.

Điều 16. Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hỏi về "hợp đồng tiền hôn nhân" của vợ chồng. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ bạn vui lòng gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo