Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Chồng đánh đập, nhục mạ khi ly hôn có được bồi thường không?

Hỏi: Xin các luật sư tư vấn giúp em về vấn đề yêu cầu bồi thường khi giải quyết ly hôn do chồng đánh đập, nhục mạ như sau ạ: Em tên là H. Em kết hôn được hơn 2 năm. Vợ chồng em đã có 1 đứa con giờ được 8 tháng. Chồng em tính gia trưởng, từng ngược đãi, xỉ nhục, đánh đập, hành hạ trong suốt gần 7 tháng qua vì sau sinh con sức khỏe yếu e không đi lao động được. Chồng e đã hơn 10 lần đuổi e ra khỏi nhà, và đăng chửi em ngu và lười trên mạng zalo.

Vì thương con sợ con bị tổn thương em đã nhẫn nhịn chịu đựng nhưng chồng em ngày càng đãng...giờ em muốn ly hôn nhưng đang phân vân trong trường hợp em bị chồng đuổi đi như vậy thì em có được bồi thường gì không? Và vợ chồng còn chung sống cùng gia đình chồng. Sau ly hôn em sẽ không có đất đai, nhà để ở thì em có được chia tài sản gì trong khối tài sản chung của gia đình để nuôi con không? Và sẽ được chia như thế nào? Rất mong được anh chị tư vấn giúp em. Em cám ơn nhiều.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất quyền trực tiếp nuôi con sau ly hôn và nghĩa vụ cấp dưỡng

 

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn muốn đơn phương ly hôn với chồng và muốn có quyền nuôi con. Theo quy định của luật hôn nhân và gia đình thì người vợ hoặc người chồng đều có quyền đơn phương ly hôn theo đúng quy định của pháp luật. Khi tòa án giải quyết đơn yêu cầu đơn phương ly hôn của chị, căn cứ theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, chị có quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Căn cứ:

 

Điều 81  Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau ly hôn:

 

 “3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

 

Chồng bạn có nghĩa vụ trợ cấp hàng tháng để bạn nuôi con. Mức trợ cấp do hai bên thỏa thuận. Căn cứ:

 

Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn:

 

“2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.”

 

Trường hợp chồng bạn cố ý trốn tránh trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn thì chồng bạn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này theo quy định của pháp luật hình sự. Căn cứ:

 

Điều 186 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ dung năm 2017 quy định về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng:

 

“Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”

 

Thứ hai, chia tài sản sau ly hôn

 

Về việc chia tài sản sau hôn nhân, vì gia đình bạn sống cùng gia đình chồng nên tài sản sẽ được chia theo quy định tại:

 

Điều 61 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình:

 

 “1. Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình; nếu không thỏa thuận được

thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình có thể xác định được theo phần thì khi ly hôn, phần tài sản của vợ chồng được trích ra từ khối tài sản chung đó để chia theo quy định tại Điều 59 của Luật này.”

 

Điều 59 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn:

 

“1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại

các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.

 

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

 

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

 

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

 

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

 

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

 

3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

 

4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

 

5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.”

 

Thứ ba, về hành vi thường xuyên đánh đập, nhục mạ của chồng bạn.

 

 Về việc chồng bạn có những hành vi bạo hành, ngược đãi đối với vợ của mình, bạn có thể yêu cầu cơ quan chức năng có thẩm quyền tại địa phương xử lý hành vi của chồng bạn theo quy định tại Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007:

 

“Điều 42. Xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình:

 

1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hành vi bạo lực gia đình nếu bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của khoản 1 Điều này thì bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục.

3. Chính phủ quy định cụ thể các hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.”

 

Nếu như hành vi của chồng bạn có gây thương tích đối với bạn thì bạn có thể làm đơn yêu cầu cơ quan chức năng xử phạt hành chính hành vi của chồng bạn, căn cứ:

 

Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình:

 

“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.”

 

Người có hành vi bạo lực gia đình gây thương tích cho thành viên trong gia đình sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu hành vi này cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Thứ tư, việc đăng tải thông tin lên mạng xã hội của chồng bạn.

 

Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP  Vi phạm quy định về trật tự công cộng

 

“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;”

 

Nếu việc đăng thông tin lên mạng xã hội không đúng sự thât về bạn và nhằm xúc phạm nhân phẩm và danh dự của bạn thì bạn có thể nộp đơn tới Tòa án nơi chồng bạn đang cư trú giải quyết (Điều 34 Bộ luật dân sự năm 2015), người có hành vi xúc phạm nhân phẩm và danh dự của người khác phải xin lỗi, gỡ bỏ thông tin đã đăng tải và phải bồi thường nếu có thiệt hại thực tế xảy ra, trường hợp nếu có tính chất nghiêm trọng thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Chồng đánh đập, nhục mạ khi ly hôn có được bồi thường không? Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn hôn nhân gia đình trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo