Luật sư Phùng Gái

Chế độ miễn tiền học phí đối với đối tượng trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ?

Tôi xin được hỏi quý luật sư một việc sau. Ngày 21/11/2014 cậu tôi là một nhà sư trụ trì chùa BT có nhặt được một bé sơ sinh bị bỏ ở cổng chùa. Sau đó nhà chùa nhập sinh, khai sinh cho cháu ở tại xã đó. Nhưng để gia đình tôi nuôi, nay đến tuổi đi mẫu giáo tôi muốn cho cháu vào trường dành riêng cho con em cán bộ của huyện.

Hiện tôi cũng là cán bộ giáo viên các con tôi đều được học tại đó nhưng còn cháu nuôi không được học vì trong giấy khai sinh không phải cha và không ghi người đỡ đầu chỉ ghi cha là nhà sư.

Vậy cho tôi hỏi trường hợp người nuôi dưỡng cháu mà không ghi vào giấy khai sinh thì cháu có được hưởng quyền lợi như con đẻ của tôi không? Và cháu đi học có được miễn gì không vì cháu bị bỏ rơi như là mồ côi cả cha lẫn mẹ. Tôi xin trân trọng cảm ơn.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định của Luật nuôi con nuôi năm 2010 về hệ quả của nuôi con nuôi. Cụ thể:

Điều 24. Hệ quả của việc nuôi con nuôi

1. Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi.

Việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ 09 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó.

3. Dân tộc của con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi.

4. Trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi.

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

Điều 78. Quyền, nghĩa vụ của cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi

1. Cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi có quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ, con được quy định trong Luật này kể từ thời điểm quan hệ nuôi con nuôi được xác lập theo quy định của Luật nuôi con nuôi.

Trong trường hợp chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quyết định của Tòa án thì quyền, nghĩa vụ của cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi chấm dứt kể từ ngày quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

2. Quyền, nghĩa vụ của cha đẻ, mẹ đẻ và con đã làm con nuôi của người khác được thực hiện theo quy định của Luật nuôi con nuôi.

3. Quyền, nghĩa vụ giữa cha đẻ, mẹ đẻ và con đẻ được khôi phục kể từ thời điểm quan hệ nuôi con nuôi chấm dứt. Trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ không còn hoặc không có đủ điều kiện để nuôi con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì Tòa án giải quyết việc chấm dứt nuôi con nuôi và chỉ định người giám hộ cho con theo quy định của Bộ luật dân sự.

Theo đó, đối chiếu với quy định trên thì chỉ có trường hợp nhận nuôi con nuôi đúng quy định pháp luật thì người con nuôi đó sẽ được hưởng mọi quyền lợi và phát sinh nghĩa vụ như đối với con đẻ, không có quy định về quyền lợi của người cháu nuôi được hưởng. Do đó, đối chiếu với trường hợp của bạn thì gia đình chỉ nhận cháu bé về nuôi chứ không phát sinh quan hệ nhận nuôi con nuôi hợp pháp nên cháu sẽ không được hưởng các quyền lợi như với trường hợp là con đẻ được.

- Chế độ dành cho trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ

Theo quy định tại  thông tư 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số Điều của Nghị định 86/2015/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm 2015-2016 đến 2020 -2022.

Điều 4. 

2. Đối tượng được miễn học phí:

...

c) Trẻ em học mẫu giáo và học sinh dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Cụ thể:

- Bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi;

- Mồ côi cả cha và mẹ;

Đồng thời, nghị định 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Cụ thể:

Điều 5. Đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng

1. Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc một trong các trường hợp quy định sau đây:

a) Bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi;

b) Mồ côi cả cha và mẹ;

...

Điều 6. Mức trợ cấp xã hội hàng tháng

1. Đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này được trợ cấp xã hội hàng tháng với mức thấp nhất bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định này nhân với hệ số tương ứng theo quy định sau đây:

a) Hệ số 2,5 đối với đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định này dưới 04 tuổi;

Như vậy, vì cháu thuộc đối tượng mồ côi cả cha lẫn mẹ nên trường hợp cháu đi học sẽ được miễn tiền học phí, chi phí khác mà trường có quy chế áp dụng. Đồng thời, ngoài việc được miễn tiền học phí thì còn được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo Luật đinh. 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến của chúng tôi để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo