Luật sư Trần Khánh Thương

Tiêu thụ tài sản trộm cắp bị xử lý thế nào theo quy định?

Em chào Anh (Chị) Em có một việc mong anh (Chị) tư vấn giúp em về tiêu thụ tội trộm cắp như sau: Em có bị mất một chiếc xe máy (bao gồm cả giấy tờ trong xe). Em đã trình báo lên Công an phương về việc mất xe này. Vài tháng sau em phát hiện có người đã mua lại xe của em. Vậy theo anh chị người đó có Phạm tội vì tiêu thụ Tài sản trộm cắp không. Trong khi có giấy tờ xe, nhưng không có giấy tờ mua bán chuyển nhượng chính chủ. Em rất mong nhận được hồi âm sớm.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Tại Điều 323 Bộ luật hình sự 2015 quy định như sau:

“Điều 323. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

d) Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”.

Tư vấn về tội tiêu thụ tài sản trộm cắp theo quy định của pháp luật

Và tại Khoản 2 và Khoản 10 Điểm 2 Thông tư liên tịch 09/TTLT- BCA- BQP- BTP-NHNNVN-VKSNDTC- TANDTC hướng dẫn áp dụng quy định của bộ luật hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tội rửa tiền, có quy định như sau:

"Tiêu thụ tài sản là một trong các hành vi sau đây: mua, bán, thuê, cho thuê, trao đổi, cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký gửi, cho, tặng, nhận tài sản hoặc giúp cho việc thực hiện các hành vi đó".

"Về mặt chủ quan của tội phạm, người thực hiện hành vi phạm tội phải biết rõ tài sản mà mình chứa chấp hoặc tiêu thụ là tài sản do phạm tội mà có nhưng không có hứa hẹn, bàn bạc hoặc thỏa thuận trước với người có tài sản do phạm tội mà có".

Như vậy, trong trường hợp của bạn, nếu người kia mua tài sản do trộm cắp mà có nhưng không có sự hứa hẹn trước thì hành vi của đó phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo quy định của Điều 323 Bộ luật Hình sự.

Nhưng nếu người kia thu mua xe do trộm cắp mà biết rõ tài sản có được là do trộm cắp và đã có sự hứa hẹn trước sẽ thu mua xe do người trộm cắp có được sau khi thực hiện hành vi trộm cắp thì hành vi đó là hành vi đồng phạm với vai trò là người giúp sức trong vụ án trộm cắp tài sản trên với người trộm cắp theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự.

Khi phát hiện hành vi phạm tội, bạn có thể trình báo công an về sự việc và các thông tin liên quan. Cơ quan điều tra có trách nhiệm điều tra tội phạm để đưa ra khởi tố theo quy định của pháp luật.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo