Phương Thúy

Tư vấn về hành vi phá hoại tài sản của công ty

Cách đây 7 tháng tôi có cho 1 công ty vay sô tiền là hơn 400 triệu đồng (có giấy vay và chữ ký của công ty...) với mục đích là cấp vốn đầu tư. Nhưng sau khi công ty đó thực hiện hợp đồng với công ty khác... cho đến nay mới hoàn trả được 70 triệu đồng.

 

Nội dung yêu cầu: Quá bức xúc trước thái độ không hợp tác sau nhiều lần gọi điện va hẹn đến công ty không gặp... tôi và 1 cậu em đã tới công ty đập phá cửa kính và một sô tài sản cua công ty (máy in...) Công ty đó đã làm đơn lên phường Công an và tôi đã tới để đưa lời khai cũng như lý do khi tới công ty đó... Vậy xin Văn phòng Luật sư Minh Gia tư vấn giúp tôi quy định pháp luật để chúng tôi nắm rõ được. Xin cám ơn.
 

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia chúng tôi, công ty tư vấn về trường hợp này của bạn như sau:

 

Thứ nhất, về vấn đề liên quan đến việc bạn và em bạn tới công ty đập phá cửa kính và một số tài sản của công ty (máy in...):

 

Tại Điều 178 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định như sau:

 

“Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

 

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;

 

b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

 

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

 

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

 

đ) Tài sản là di vật, cổ vật…”.

 

Trong trường hợp này, nếu tài sản mà bạn và em bạn hủy hoại của công ty có giá trị trên 2 triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng thì theo quy định của pháp luật bạn và em bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý hủy hoại tài sản.

 

Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Bạn có thể nghiên cứu các tình tiết để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự.

 

Trong trường hợp này, bạn có thể thỏa thuận với công ty về vấn đề bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra đồng thời yêu cầu công ty này rút đơn tố giác. Đây có thể được xem là một trong các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Đồng thời bạn có thể đưa ra các chứng cứ khác chứng minh bạn chưa tiền án tiền sự, phạm tội lần đầu để tòa án xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (chỉ áp dụng là tình tiết giảm nhẹ khi phạm tội ít nghiêm trọng).

 

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các quy định về án treo và điều kiện để hưởng án treo theo pháp luật hiện hành.

 

Thứ hai, về vấn đề liên quan đến khoản tiền mà bạn đã cho vay (hơn 400 triệu đồng)

 

Theo quy định tại Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 thì: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”.

 

Đồng thời theo Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

 

Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

 

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

 

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

 

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

 

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

 

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn cho công ty này vay số tiền hơn 400 triệu đồng, có giấy tờ và chữ ký của công ty, do đó công ty này có nghĩa vụ trả cho bạn đầy đủ số tiền chưa trả hết và lãi (nếu có thỏa thuận).

 

Trường hợp công ty không hoàn trả cho bạn đầy đủ các khoản tiền theo thỏa thuận của các bên thì bạn có thể khởi kiện công ty này ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có trụ sở của công ty để yêu cầu Công ty này thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho mình.

 

Trân trọng!
CV Nguyễn Thị Chúc – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo