Nông Bá Khu

Giao xe 3 bánh tự chế cho người khác điều khiển, chịu trách nhiệm thế nào?

Luật sư tư vấn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi giao xe 3 bánh tự chế cho người khác điều khiển và gặp tai nạn dẫn đến chết người. Cụ thể như sau:

 

Câu hỏi tư vấn: Gia đình tôi chuyên cho thuê copfa - giáo tiệp xây dựng dân dụng. Đầu tháng 6/2016 vừa rồi tại chỗ tôi có xảy ra sự việc như sau: Nhà tôi có thuê 2 người làm việc và trả công vào cuối tháng dựa trên số buổi làm việc thuê theo hình thức thoả thuận miệng giữa 2 bên. Đầu tháng 6 vừa qua 2 người làm ở gia đình tôi có vận chuyển một số vật tư đến công trình xây dựng bằng xe tự chế 3 bánh. Trong quá trình di chuyển người lái xe mất lái và lao xuống rìa mương cứng. Người lái xe sau khi đi cấp cứu đã tử vong, người ngồi sau bị xây xát nhẹ. Toàn bộ chi phí đi viện gia đình tôi đã chi trả và gia đình người tử vong không có khiếu nại, khởi kiện hay đòi bồi thường. Nhưng hiện theo hồ sơ công an huyện lập là xe gia đình tôi sử dụng không đủ điều kiện tham gia giao thông.

 

Vậy trong trường hợp này gia đình tôi phải chịu những trách nhiệm hình sự và dân sự nào?  Khung hình phạt cao nhất có thể xảy ra là gì? Có phải xét xử tại toà án hay không?  Tôi rất mong nhận được tư vấn sớm của quý công ty. Tôi xin chân thành cảm ơn.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi nội dung đề nghị tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia chúng tôi, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Để xác định trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự đặt gia với gia đình bạn trông trường hợp này cần làm rõ 2 vấn đề: Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn gây hậu quả chết người và gia đình bạn có phải người trực tiếp chịu trách nhiệm về kỹ thuật của xe hay không? 

 

Thứ nhất, về trách nhiệm hình sự.

 

Điều 204 Bộ luật hình sự quy định Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn như sau:

1. Người nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật mà cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường bộ rõ ràng không đảm bảo an toàn kỹ thuật gây thiệt hại cho tính mạng hoặc thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười  năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

 

Như vậy, để cấu thành tội danh này thì cần đáp ứng 2 điều kiện về mặt cấu thành tội phạm là: Bạn là người trịu trách nhiệm trực tiếp về tình trạng kỹ thuật xe và nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do tình trạng kỹ thuật xe không đảm bảo an toàn. 

 

Trong vụ việc này, bạn không phải đối tượng chịu trách nhiệm trực tiếp về tình trạng kỹ thuật của xe. Trong trường hợp này bạn được xác định là chủ phương tiện. Mặt khác để xác định trường hợp này có cấu thành tội phạm hay không cần làm rõ nguyên nhân xảy ra tay nạn. Nếu nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn là do lỗi của người lái xe thì sẽ không đủ cơ sở để cấu thành tội danh này. 

Song hành vi tự ý cải tạo thiết kế, lắp ráp xe là hành vi vi phạm pháp luật mà theo đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, như sau:

 

Điều 30 – Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ:

 

"4. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy;

b) Tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo hồ sơ đăng ký xe;

c) Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe;

9. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Tự ý thay đổi tổng thành khung, tổng thành máy (động cơ), hệ thống phanh, hệ thống truyền động (truyền lực), hệ thống chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe, thùng xe hoặc tự ý lắp thêm, tháo bớt ghế, giường nằm (đối với xe chở khách) không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe;

b) Cải tạo các xe ô tô khác thành xe ô tô chở khách;

c) Đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định) hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 01 tháng trở lên (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) ra tham gia giao thông;

…”

Thứ hai, về trách nhiệm dân sự.

 

Trong trường hợp có căn cứ chứng minh rằng nguyên nhân trực tiếp dẫn tai nạn gây hậu quả chết người là do tình trạng kỹ thuật của chiếc xe không đảm bảo thì chủ xe sẽ phải chịu trách nhiệm đối phương tiện là nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. 

 

Điều 623. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra - Bộ luật dân sự 2005 quy định:

 

"1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại."

 

Theo đó, trong trường hợp này bạn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, mức bồi thường thiệt hại do các bên thỏa thuận. 

 

Đặt trong trường hợp, nguyên nhân dẫn đến tai nạn hoàn toàn do lỗi của người lái xe và tình trạng kỹ thuật của xe vẫn đảm bảo an toàn thì bạn không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. 

 

Lưu ý: Do thông tin bạn cung cấp không chi tiết cụ thể nên không thể xác định việc bạn thuê người làm công là quan hệ lao động hay giao dịch dân sự. Do đó, nếu có cơ sở chứng minh giữa bạn và 2 người làm công có quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động thì trường hợp này có thể xem xét để giải quyết theo trường hợp tai nạn lao động theo quy định của Bộ luật lao động 2012.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Giao xe 3 bánh tự chế cho người khác điều khiển, chịu trách nhiệm thế nào? . Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV. Hứa Thị Nhàn – CÔNG TY LUẬT MINH GIA

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo