Hoài Nam

Sử dụng clip, hình ảnh để đe dọa và tống tiền bị xử lí thế nào?

Luật sư tư vấn về vấn đề hai người có tình cảm nam nữ sau khi chia tay bạn trai đã sử dụng những clip và hình ảnh để đe dọa, uy hiếp tống tiền bạn gái và gia đình thì có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không? Cụ thể như sau:

Nội dung hỏi tư vấn:

Thưa Luật Sư!Em cần giải pháp và cách xử lý cũng như luật hình sự, xin luật sư cho em được trình bày sự việc.Em có quen 1 cô gái SN 1994, cô ấy có qua lại với 1 người nam tên A. 2 người quen nhau và cũng đã quan hệ với nhau, A đã cố tình quay clip và chụp ảnh lại. Sau một thời gian cô gái đó chia tay A, từ lúc chia tay A bắt đầu hận cô gái và đã dùng clip và ảnh trước đó đã chụp để uy hiếp, doạ giết và tống tiền cô gái, thân là con gái nên cô gái phải làm theo những gì A bảo, uy hiếp tống tiền vài triệu đồng từ lần này đến lần khác. Vì trong tình thế như vậy nên cô gái đã cố gắng làm theo lời A suốt 3 năm nay. Đến lúc cô gái không còn khả năng thì A gửi hình ảnh clip cho gia đình cô gái để tiếp tục uy hiếp cô, gia đình cô gái cũng đã nghĩ đến cách báo Công An để giải quyết, nhưng vì gia đình và cô gái lo lắng nhiều chuyện sau này. A như một tên điên, doạ sẽ bám cả đời hoặc sẽ giết cô gái rồi đi tù cũng được. Đến giờ A lại tiếp tục doạ sẽ tung lên mạng internet.Xin Luật Sư cho em biết bây giờ phải làm thế nào để giải quyết sự việc trên ạ?Nếu báo Công An can thiệp cho đến khi ra toà thì A sẽ bị gán vào tội nào ạ?Hình phạt và án sẽ như thế nào?Nếu sau khi A lãnh án và thi hành án cho đến khi A hết án thì sẽ càng làm điều tồi tệ với gia đình cô gái, gia đình cô gái sẽ càng gặp nguy hiểm.Theo Luật Sư, gia đình và cô gái phải làm sao, xin Luật Sư..! Thân.

Trả lời tư vấn:

Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới công ty Luật Minh gia, trường hợp của bạn được chúng tôi tư vấn như sau:

Bộ luật dân sự 2015, có quy định:

Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh

“1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:

a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;

b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật”.

Như vậy cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, nên việc tự ý chụp ảnh và quay phim mà không được sự đồng ý của người đó mà xâm phạm nhân phẩm danh dự của người đó được coi là hành vi vi phạm pháp luật.

Với hành vi trên của anh A, tùy theo mức độ nghiêm trọng về hành vi thì A có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản, Tội truyền bá ăn hóa phẩm đồi trụy theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:

“Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản

1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

...

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

...

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

...

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

“Điều 326. Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy

1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB);

...

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

...

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng 10 gigabyte (GB) trở lên;

...

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Như vậy, căn cứ thông tin bạn cung cấp A có hành vi sử dụng hình ảnh của cô gái để đe dọa nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của cô gái thì hành vi này đã có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản. Ngoài ra, nếu A có hành vi đăng những hình ảnh, video có nội dung khiêu dâm trên internet thì hành vi của A có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo quy định nêu trên.

Bên cạnh trách nhiệm hình sự phải chịu, A còn có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tính bị xâm phạm theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015:

“Điều 592. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

c) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo