Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Hỏi về yếu tố cấu thành tội vu khống?

Nội dung yêu ầu tư vấn: Trường hợp nhà ông A chỉ dựa trên lời nói của con gái bị tâm thần (cụ thể bị bệnh động kinh) là có thai với ông B. Sau đó, ông A sang hỏi chuyện ông B, sau đó ông B khẳng định là không có chuyện làm cho con gái ông A có thai và khẳng định có thể làm xét nghiệm ADN để giám định, nếu ai sai thì hoàn toàn chịu trách nhiệm .


 Tuy nhiên, ngay trong ngày nhà ông A đã gửi  đơn kiện ông B là làm cho con gái mình có thai, đồng thời 2 vợ chồng ông A đi khắp nơi nói xấu, vu oan cho ông B, và nói chính ông B làm cho con gái mình có thai khi chưa có nhân chứng, bằng chứng cụ thể nào.

Sau khi gửi đơn kiện nhà ông B, bên công an đã tiến hành giám định ADN của ông B và thai của con gái ông A, sau 1 tháng họ trả kết quả giám định của Bộ khoa học hình sự - Bộ công an cho thấy ông B  không phải là cha của bào thai của con gái ông A. Tuy nhiên gia đình ông A  vẫn tiếp tục nói rằng kết quả này là không đúng, là do nhà ông B "mua chuộc" công an, đồng thời tiếp tục khẳng định ông B là người làm cho con gái mình có thai (trước đó, tại cơ quan công an, con gái ông A thừa nhận đã quan hệ với rất nhiều người. Tuy nhiên trong đơn kiện, 2 vợ chồng ông A chỉ khẳng định tác giả của bào thai là ông B). Khiến cho gia đình ông B phải chịu điều tiếng của dư luận, chịu tổn hại về vật chất và tinh thần. 

Vậy, hiện nay gia đình ông B đã có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm ADN và có người đồng ý làm chứng là gia đình ông A liên tục vu khống ông B. (Vì đã có người chứng kiến con gái ông A đi với rất nhiều đàn ông, trong khi gia đình ông A từ khi gửi đơn kiện đều không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào cho thấy ông B là người làm cho con gái mình có thai.)

Theo pháp luật, người mất năng lực hành vi dân sự thì không phải chịu trách nhiệm pháp luật, tuy nhiên ông A (là bố đẻ) đồng thời là người đứng ra kiện ông B và có ký xác nhận là nếu bên nào sai thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. 

Vậy, gia đình ông B có thể kiện ông A tội làm nhục người khác (điều 121 bộ luật hình sự) và tội vu khống (điều 122 bộ luật hình sự) hay không?
Em xin chân thành cảm ơn anh/chị!
 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Trong trường hợp trên, do không thể xác định được chính xác và đầy đủ về hành vi cũng như hậu quả là thiệt hại xảy ra cho gia đình ông B, nên có thể được giải quyết bằng 2 biện pháp sau:

 

Thứ nhất, giải quyết bằng biện pháp dân sự

 

Bộ luật dân sự 2015 quy địnhvề quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín như sau:

 

“1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

 

2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.

 

5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.”

 

Như vậy, nhân phẩm, danh dự của cá nhân được pháp luật bảo vệ. Bất cứ hành vi nào xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác, thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm bồi thường thiệt hại.

 

Theo đó, trong trường hợp này, trước hết các bên nên tự thỏa thuận về việc khắc phục hậu quả: bồi thường thiệt hại, cải chính thông tin… để giải quyết vấn đề nhanh chóng và kịp thời nhất.

 

Thứ hai, giải quyết bằng biện pháp hình sự

 

Đối với biện pháp này, hành vi và hậu quả phải đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì cơ quan có thẩm quyền mới ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.

 

Điều 156 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội vu khống như sau:

 

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

 

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

 

b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

…”

 

Để hiểu rõ hơn về tội danh này, bạn có thể thao khảo bài viết phân tích cấu thành tội phạm của tội danh này tại địa chỉ sau:https://luatminhgia.com.vn/tu-van-ve-toi-vu-khong.aspx

 

Như vậy, đã có những căn cứ cho rằng ông B không làm con gái ông A có thai. Song từ ý chí chủ quan ông A cho rằng ông B là người đã xâm hại con mình. Mặt khác cũng chưa thể chắc chắn về nhưng căn cứ ban đầu được đưa ra để chứng minh việc ông B vô can. Bởi vậy, nếu chỉ căn cứ vào những thông tin trong thư tư vấn chưa thể xác định được ông A có cố tình bịa đặt ra các thông tin trên với mục đích xâm phạm danh dự, nhân phẩm của ông B hay không? Bởi vậy, cần làm rõ được yêu tố này mới có thể xác định hành vi của ông A có đủ yếu tố cấu thành tội vu khống hay không?

 

Tuy nhiên, trong trường hợp này tuy chưa thể khẳng định hành vi của ông A có đầy đủ các yếu tố để cấu thành tội phạm, nhưng cũng đã có dấu hiệu của tội danh này. Bởi vậy, ông B có thể làm đơn tố giác tội phạm để cơ quan điều tra xác minh làm rõ các tình tiết của vụ việc hơn.

 

Trân trọng!
Luật Gia: Nguyễn Thảo - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo