Hoàng Thị Nhàn

Hành vi cố ý gây thương tích với người nuôi dưỡng có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Mẹ tôi gần đây bi một đối tượng dùng dao truy sát và bị đối tượng chém ba nhát bằng sống dao và bị đánh gãy xương ngón chân út bên phải. Vết thương bị chém không sâu nhưng hằn rõ trên lưng va cánh tay phải. Vậy tôi muốn hỏi như vậy đã dủ diều kiện để khởi tố hinh sự hay chưa


Nếu có thi nằm ở khung nào bộ luật nào, quy định thế nào? Nói thêm đối tượng là con riêng của cha tôi được gia đình tôi nuôi dưỡng từ bé đến năm nay đã hơn 17 tuổi. Xin cảm ơn luật sư!
 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi thư tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, Điều 12 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 có quy định:

 

“Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

 

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

 

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”.

 

Theo như thông tin bạn cung cấp thì đối tượng đó đã 17 tuổi như vậy căn cứ khoản 1 Điều 12 nêu trên thì đối tượng đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm nếu mình gây ra.

 

Thứ hai, đối tượng dùng dao truy sát mẹ bạn khiến mẹ bạn bị thương tích: căn cứ theo Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định như sau:

 

“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

 

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

 

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

…”.

Ngoài ra, tại tiểu mục 3.1 Mục 3 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12 tháng 5 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định:

 

Dùng hung khí nguy hiểm” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 của Bộ luật Hình sự là trường hợp dùng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm theo hướng dẫn tại các tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao để cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác.

 

Và tại tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn như sau:

 

“2. Về khái niệm "vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác" quy định tại điểm d khoản 2 Điều 133 Bộ luật Hình sự

 

2.1. "Vũ khí" là một trong các loại vũ khí được quy định tại khoản 1 Điều 1 Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành kèm theo Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ).

 

2.2. "Phương tiện nguy hiểm" là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công.

…”.

 

Như vậy, đối chiếu quy định nêu trên thì dao trong trường hợp này được xác định là phương tiện nguy hiểm. Ngoài ra, sẽ căn cứ vào kết quả giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể để xem xét trách nhiệm hình sự.Đồng thời vì bạn có nói đối tượng là con riêng của cha được gia đình nuôi dưỡng từ bé, như vậy mẹ bạn cũng là người nuôi dưỡng đối tượng cho nên nếu thương tật của mẹ bạn dưới 11% thì đối tượng đó vẫn có thể bị khởi tổ hình sự.

 

Tuy nhiên, theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự có quy định:

 

“Điều 155. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

 

1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

 

2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

 

3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.”.

 

Như vậy thì nếu tỷ lệ thương tật của mẹ bạn dưới 11% (thuộc khoản 1 Điều 134) mà không có yêu cầu khởi tố hình sự đối với đối tượng đó thì đối tượng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Trân trọng!
CV. Vũ Thị Mỹ Duyên- Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo