Có được thay đổi người trực tiếp nuôi con?
Mục lục bài viết
Quyền nuôi con sau khi ly hôn
Căn cứ khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định vợ chồng có quyền thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Nội dung yêu cầu tư vấn: Cho cháu xin hỏi: anh trai cháu và chị dâu có li hôn, chị dâu đã làm đơn li hôn với anh trai cháu trước 3 ngày khi sinh sau khi đẻ được 3 ngày chị đã bỏ về nhà mẹ để mặc con nhỏ cho bố mẹ cháu nuôi dưỡng, đi được 7 hôm thì quay lại ở được 1 tháng và để xin giấy chứng sinh để lấy tiền bảo hiểm. Sau khi lấy được tiền bảo hiểm bỏ mặc cháu nhỏ cho gia đình cháu nuôi giờ cháu nhỏ đã được 18 tháng. Chị đó đã gửi đơn ra toà và toà đã xử chị đó được quyền nuôi con. Nhưng gia đình cháu không đồng ý, vì gia đình chị đấy không cho chị nuôi và từ đó, chị ấy bỏ đi không về thăm con, xét về kinh tế thì anh cháu làm kinh doanh có thu nhập hơn còn chị đó công nhân: Mong chú tư vấn giúp gia đình cháu được quyền nuôi cháu nhỏ Cháu xin chân thành cảm ơn.
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến Luật Minh Gia, với vướng mắc của bạn chúng tôi giải đáp như sau:
Căn cứ Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
“1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
…”
Theo thông tin bạn cung cấp, Tòa án đã quyết định cho chị dâu bạn nuôi con, tuy nhiên, hiện tại chị dâu bạn đã bỏ đi không trực tiếp nuôi con mà bỏ con cho ông bà nuôi. Như vậy, đây là một căn cứ để anh bạn có thể yêu cầu tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Ngoài ra, anh bạn có thể cung cấp thông tin về thu nhập của mình và vợ cũ để chứng minh điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con của mình là tốt hơn.
Trân trọng!
Phòng luật sư tư vấn – Công ty Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất