Trần Phương Hà

Công ty có được trừ lương nhân viên không?

Luật sư cho mình hỏi về việc trừ lương nhân viên như sau: Mình hiện tại đang làm việc cho một công may mặc X. Trong cuộc họp gần đây giữa giám đốc công ty và tập thể công nhân có phát sinh 1 việc như sau: Giám đốc công ty thông báo tiền lương tăng giờ của công nhân tháng vừa qua sẽ bị trừ 30%. Lý do giải thích cho quyết định trên của lãnh đạo công ty là công nhân làm không đủ sản lượng (cách tính lương của công ty là tính theo giờ chứ không phải khoán sản lượng ).

Mình thấy rằng lợi ích của tập thể lao động dường như đang bị xâm phạm thô bạo. Nhưng công đoàn cơ sở không hề đứng ra bênh vực quyền lợi của tập thể người lao động, họ hoàn toàn im hơi lặng tiếng. Mình xin được hỏi việc làm của công ty như vậy có hợp pháp không. Nếu công ty xâm phạm lợi ích của tập thể công nhân, đồng thời công đoàn cơ sở công ty hoàn toàn né tránh không bảo vệ người lao động, thì trong trường hợp này bằng cách nào mình có thể đòi hỏi quyền và lợi ích hợp pháp cho bản thân và tập thể công nhân. Mình xin được tư vấn để nắm được cơ sở pháp lý và quy trình kiến nghị một cách hiệu quả. Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, về vấn đề của bạn chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Điều 94 Bộ luật lao động 2012 quy định về hình thức trả lương:

"1. Người sử dụng lao động có quyền lựa chọn hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán. Hình thức trả lương đã chọn phải được duy trì trong một thời gian nhất định; trường hợp thay đổi hình thức trả lương, thì người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động biết trước ít nhất 10 ngày.

2. Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng. Trường hợp trả qua tài khoản ngân hàng, thì người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động về các loại phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản".

Điều 96 BLLĐ 2012 quy định về nguyên tắc trả lương"Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương".

Điều 101 BLLĐ 2012 quy định về khấu trừ tiền lương

"1. Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 130 của Bộ luật này.

2. Người lao động có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình.

3. Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập".

Theo quy định của pháp luật, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn cho người lao động (NLĐ). Hơn nữa, theo quy định tại Điều 101 BLLĐ 2012 thì NSDLĐ chỉ được khấu trừ tiền lương của NLĐ để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của người sử dụng lao động.

Vậy, theo phân tích trên và với hình thức trả lương cho NLĐ theo thời gian làm việc thì hành vi của NSDLĐ trái quy định của pháp luật, xâm phạm trực tiếp tới quyền và lợi ích của NLĐ. Chị cùng toàn bộ NLĐ có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về lao động như phòng lao động, thương binh và xã hội,... can thiệp để giải quyết triệt để vụ việc trên, xử lý nghiêm hành vi của NSDLĐ.

Điều 13 Nghị định 95/2013/NĐ - CP quy định về vi phạm quy định về tiền lương:

"3. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định tại Điều 96 của Bộ luật lao động; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; trả lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm cho người lao động thấp hơn mức quy định tại Điều 97 của Bộ luật lao động; khấu trừ tiền lương của người lao động trái quy định tại Điều 101 của Bộ luật lao động; trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định tại Điều 98 của Bộ luật lao động theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc trả đủ tiền lương cho người lao động theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này;

b) Buộc trả khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này".

Trường hợp NSDLĐ thực hiện hành vi khấu trừ tiền lương của người lao động trái quy định tại Điều 101 của BLLĐ sẽ bị xử phạt với mức theo quy định trên.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo