Xuất nhập khẩu là gì? Kim ngạch là gì theo quy định?
Mục lục bài viết
Do đó, để có thể hiểu về thuật ngữ xuất, nhập khẩu và kim ngạch, quý khách hàng có thể tham khảo bài viết sau đây của Công ty Luật Minh Gia:
1. Xuất nhập khẩu là gì?
Hiện nay trong các văn bản quy phạm pháp luật không có định nghĩa cụ thể như thế nào là xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, xét về mặt ngôn ngữ có thể thấy: Xuất nhập khẩu là một từ ghép thể hiện hoạt động xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu hàng hóa.
Theo đó, Khoản 1, Khoản 2 Điều 28 Luật Thương mại năm 2005 quy định về xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu hàng hóa như sau:
“1. Xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.
2. Nhập khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.”
Về bản chất, có thể hiểu xuất khẩu nghĩa là cung cấp những mặt hàng, sản phẩm của nước ta ra thị trường nước ngoài nhằm mục đích thu lợi nhuận, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, phát triển những ngành thế mạnh trong nước và nhập khẩu nghĩa là quốc gia hoặc doanh nghiệp bỏ tiền, ngân sách để nhập vào những mặt hàng mà nước ta thiếu hoặc chưa tự mình sản xuất được để sản xuất hàng hóa hoặc cung ứng cho người dân.
2. Các nhóm hàng xuất nhập khẩu chính của nước ta hiện nay
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, một số nhóm hàng xuất khẩu chính của nước ta là:
- Xuất khẩu gạo;
- Điện thoại các loại và linh kiện;
- Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện;
- Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác;
- Hàng dệt may;
- Giày dép các loại;
- Gỗ và các sản phẩm từ gỗ;
- Hàng thủy sản;
- Sắt thép các loại.
Một số nhóm hàng nhập khẩu chính là:
- Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện;
- Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác;
- Điện thoại các loại và linh kiện;
- Nguyên phụ liệu ngành dệt, may, da, giày;
- Ô tô nguyên chiếc các loại.
Như vậy, có thể thấy hoạt động xuất nhập khẩu của mỗi quốc gia nói chung và của Việt Nam nói riêng đều xuất phát từ quy luật cung – cầu của nền kinh tế thị trường. Hoạt động xuất nhập khẩu sôi động đem đến những tác động tích cực cho nền kinh tế quốc gia. Đồng thời, các chính sách pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn, là hành lang pháp lý vững chắc bảo vệ doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu trên thị trường quốc tế, mở ra nhiều ưu đãi hơn cho các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.
3. Kim ngạch là gì?
Chúng ta thường hay nghe thuật ngữ kim ngạch xuất hiện trên truyền hình, báo đài gắn liền với hoạt động xuất nhập khẩu nhưng không phải ai cũng hiểu và lý giải được thuật ngữ ngày dưới góc độ pháp lý và dưới góc độ kinh tế.
Về mặt pháp lý, hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật của nước ta không có quy định giải thích cụ thể như thế nào là kim ngạch. Tuy nhiên, dưới góc độ kinh tế có thể hiểu như sau:
- Kim ngạch xuất khẩu là tổng giá trị của toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của một nước trong một kỳ nhất định (cụ thể là tháng, quý, năm), sau đó được quy đổi đồng bộ về một loại tiền tệ nhất định. Về bản chất có thể hiểu đây chính là lượng tiền thu được từ hoạt động bán hàng hóa có hệ thống ra thị trường nước ngoài.
- Kim ngạch nhập khẩu là tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa của một doanh nghiệp hoặc đất nước trong một kỳ thời nhất định (cụ thể là tháng, quý, năm). Theo đó, có thể hiểu kim ngạch nhập khẩu là tổng giá trị ngân sách được bỏ ra cho hoạt động nhập khẩu.
- Kim ngạch xuất nhập khẩu là tổng kim ngạch nhập khẩu cộng tổng kim ngạch xuất khẩu.
Các con số trên kim ngạch xuất khẩu thể hiện sự phát triển kinh tế của một quốc gia. Bởi vì kim ngạch xuất khẩu cao và luôn tăng trưởng sẽ đồng nghĩa với việc lượng ngoại tệ thu về nhiều, kéo theo nền kinh tế phát triển đi lên. Còn đối với kim ngạch nhập khẩu thì phải được giới hạn trong một mức nhất định để không lớn hơn kim ngạch xuất khẩu.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất