Giải quyết tranh chấp về quyền nuôi con dưới 7 tuổi?

Thưa luật sư tôi muốn hỏi: tôi và vợ tôi sống chung với nhau như vợ chồng có tổ chức lễ cưới nhưng không có đăng ký kết hôn. Nhưng vì công việc tôi và vợ tôi đã bỏ đi làm khi con chưa được 3 tháng tuổi con tôi hoàn toàn do ông bà nội nuôi dưỡng. Nhưng vì mâu thuẫn vợ chồng tôi không sống chung với nhau nữa,

Trong thời gian xảy ra mâu thuẫn cô ấy có đi làm việc ở một số nơi như nhân viên tiệm bi-da, quán karaoke, quán bia ôm... tôi phát hiện được..nhưng vì tình nghĩa vợ chồng tôi đã khôn làm rùm ben lên chỉ bảo cô ấy về nhà nuôi con còn tôi vẫn tiếp tục đi làm... ở nhà được hơn nửa tháng đột nhiên cô ấy tự tiện bắt con của tôi (hiện nay con tôi đã được 38 tháng tuổi) đi mất hơn nửa tháng, tôi đã tìm cách liên lạc thỏa thuận để cô ấy đem con về nhưng cô ấy không đem về nhà mà lại đem con về nhà bà ngoại của cô ấy. Tôi và ông bà nội cháu đến thăm cháu thì cô ấy không cho chúng tôi đến gần cháu mặc dù cháu khóc đòi theo chúng tôi về nhà, cả nhà cô ấy cùng nhau dùng những lời lẽ thô tục để chửi mắng, còn dùng bạo lực để xua đuổi gia đình tôi. Trước đó khi đang mang thai con tôi cô ấy đã tự uống thuốc trừ sâu để tự tử xuýt nữa thì hại chết con, nhưng may mắn được cứu chữa kịp thời.

Tôi xin hỏi luật sư trường hợp của tôi như thế tôi có thể giành quyền nuôi con hay không? quy định thế nào? Mong sớm nhận được hồi đáp của luật sư!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định của Luật hôn nhân gia đình 2014 về đăng ký kết hôn:

Điều 9. Đăng ký kết hôn

1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.

Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.

Như vậy, với thông tin bạn đưa ra thì hai bạn không được pháp luật công nhận là quan hệ vợ chồng hợp pháp do không thực hiện đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, liên quan tới quyền và nghĩa vụ đối với con thì vẫn được giải quyết như đối với quyền và nghĩa vụ cha mẹ đối với con. Cụ thể:

Điều 14. Giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.”

Điều 15. Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.

-Liên quan tới quyền trực tiếp nuôi dưỡng con: 

Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

.....

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Theo đó, con bạn đã được 38 tháng tuổi nên về nguyên tắc hai bên có thể thỏa thuận với nhau về việc ai sẽ là người trực tiếp nuôi dưỡng. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được và bạn muốn dành quyền nuôi thì sẽ nộp đơn gửi Tòa án nhân dân huyện nơi vợ anh đang thường trú hoặc cư trú và phải tự chứng minh được khả năng về kinh tế, khả năng đảm bảo về việc đáp ứng đời sống tinh thần, tình cảm cho con....Trên cơ sở đó Tòa án sẽ xem xét, nếu nhận thấy bạn đáp ứng đủ điều kiện thì giao quyền trực tiếp nuôi dưỡng con cho bạn.

Trên đây là nội dung tư vấn về: Giải quyết tranh chấp về quyền nuôi con dưới 7 tuổi?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn ly hôn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169