Bảo hiểm thất nghiệp là gì? Tra cứu bảo hiểm thất nghiệp như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy định về Bảo hiểm thất nghiệp
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm 2013 thì: Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Bảo hiểm thất nghiệp có các chế độ như quy định tại Điều 42 Luật Việc làm 2013 bao gồm: Trợ cấp thất nghiệp; Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; Hỗ trợ Học nghề; Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
2. Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013 thì đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm:
Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:
- Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;
- Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
- Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
- Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
3. Vai trò của bảo hiểm thất nghiệp
Để có thể đánh giá một cách khách quan và chính xác nhất về vai trò của BHTN thì cần phải nhìn nhận theo từng đối tượng và từng khía cạnh khác nhau của xã hội, từ đó mới có thể đưa ra nhận xét đầy đủ nhất về chế độ bảo hiểm này.
Đối với người lao động: Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Với người lao động, nhất là những lao động trẻ bị mất việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã và đang trở thành điểm tựa, giúp họ ổn định cuộc sống, đóng góp vào sự vững mạnh của hệ thống an sinh xã hội.
Đối với người sử dụng lao động: Việc làm ra quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động là trách nhiệm đối với người sử dụng lao động. Thực hiện tốt cách chính sách quyền lợi cho người lao động cũng là cách để người sử dụng lao động thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao.
Đối với sự phát triển kinh tế, xã hội: Bảo hiểm thất nghiệp có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tê đất nước. Chính sách này đã giúp người sử dụng lao động không mất chi phí trả thêm cho người lao động khi họ mất việc làm. Còn đối với người lao động thì vì biết chính sách bảo hiểm này sẽ giúp mình vẫn có tiền trợ cấp khi thất nghiệp nên từ đó họ sẽ yên tâm làm việc và cống hiến nhiều hơn, góp phần thúc đẩy việc sản xuất phát triển. Bảo hiểm thất nghiệp còn thể hiện ở việc giúp giảm gánh nặng cho ngân sách quốc gia đối với việc hỗ trợ chi phí cho người lao động khi họ thất nghiệp. Đây là cách tốt nhất để sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước vào các mục đích ổn định và phát triển kinh tế xã hội về sau
4. Cách tra cứu thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động
Cách 1: Người lao động có thể đến trực tiếp các cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc Trung tâm dịch vụ việc làm để yêu cầu tra cứu thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp thông qua mã số BHXH
Cách 2: Tra cứu qua ứng dụng VSSID
Để tra cứu bằng cách này, người lao động bắt buộc phải có tài khoản VssID. Hiện nay, hấu hết các cơ quan bảo hiểm xã hội đều có yêu cầu người lao động thực hiện cài đặt tài khoản VssID để dễ dàng trong việc quản lý.
Trong trường hợp đã đăng ký tài khoản VssID, người lao động tiến hành đăng nhập qua mã số BHXH và mật khẩu là đã có thể dễ dàng trong việc tra cứu thời gian mình tham gia bảo hiểm thất nghiệp cũng như những khoảng thời gian người lao động đã được giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp.
Cách 3: Tra cứu bằng tin nhắn điện thoại
Soạn tin nhắn theo cú pháp:
BH QT {mã số bảo hiểm xã hội} gửi 8079
BH QT {mã số bảo hiểm xã hội} {từ năm} {đến năm} gửi 8079
---
5. Thủ tục nộp đơn để hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Câu hỏi:
Em đã nghỉ việc từ tháng 3/20xx do nghỉ quá 5 ngày không phép trong 1 tháng. Do không ai hướng dẫn nên em không biết về quy định đăng ký BHTN trong vòng 3 tháng nên không được hưởng BHTN (em đã đóng BHTN 3 năm 4 tháng ). Hiện tại, em vẫn chưa có việc làm, em xin hỏi quý luật sư có giải pháp nào để em được hưởng BHTN không Em xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm năm 2013 để đáp ứng được điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, bạn phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.
Tuy nhiên, đã quá thời hạn này bạn vẫn không tiến hành nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, do vậy bạn không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hiện tại, không có cách nào để bạn được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trong trường hợp khi bạn tìm được việc và thôi việc trong lần tiếp theo thì mới có thể làm hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trân trọng!
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất