Lại Thị Nhật Lệ

Mã số thuế công ty là gì? Cơ quan nào cấp MST công ty?

Mã số thuế có hai dạng là mã số thuế của doanh nghiệp, tổ chức và mã số thuế cá nhân. Đối với doanh nghiệp thì mã số thuế chính là một trong những thông tin quan trọng khi thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vậy mã số thuế của công ty là gì? Cơ quan nào có thẩm quyền trong việc cấp mã số thuế với công ty? Để tìm hiểu những thông tin trên bạn có thể tham khảo bài viết sau của Luật Minh Gia.

1. Mã số thuế công ty là gì?

Mã số thuế doanh nghiệp là gì? Là một dãy các chữ số được mã hoá theo một nguyên tắc thống nhất để cấp cho từng người nộp thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo qui định của Luật, Pháp lệnh thuế, phí và lệ phí (gọi chung là Pháp luật về thuế), bao gồm cả người nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Mã số thuế để nhận biết, xác định từng người nộp thuế và được quản lý thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 105/2020/TT-BTC hướng dẫn đăng ký thuế thì mã số thuế có cấu trúc như sau:

- Cấu trúc mã số thuế

N1N2N3N4N5N6N7N8N9N10 - N11N12N13

Trong đó:

+ Hai chữ số đầu N1N2 là số phần khoảng của mã số thuế.

+ Bảy chữ số N3N4N5N6N7N8N9 được quy định theo một cấu trúc xác định, tăng dần trong khoảng từ 0000001 đến 9999999.

+ Chữ số N10 là chữ số kiểm tra.

+ Ba chữ số N11N12N13 là các số thứ tự từ 001 đến 999.

+ Dấu gạch ngang (-) là ký tự để phân tách nhóm 10 chữ số đầu và nhóm 3 chữ số cuối.

-Nhóm mã số thuế 10 số: N1N2 là số phân Khoảng tỉnh cấp mã số thuế được quy định theo danh Mục mã phân Khoảng tỉnh (đối tượng kinh doanh) hoặc số không phân Khoảng tỉnh cấp mã số thuế (đối với mã số thuế cấp cho các cá nhân khác). N3N4N5N6N7N8N9 được quy định theo một cấu trúc xác định, tăng dần trong Khoảng từ 0000001 đến 9999999. Chữ số N10 là chữ số kiểm tra.

-Nhóm mã số thuế 13 số: Mười số từ N1 đến N10 được cấp cho đơn vị chính và doanh nghiệp thành viên. Dấu gạch ngang là ký tự để phân tách nhóm 10 số đầu và nhóm 3 số cuối. Ba chữ số N11N12N13 là các số thứ tự từ 001 đến 999 được đánh theo từng đơn vị trực thuộc, chi nhánh của người nộp thuế độc lập và đơn vị chính.

2. Đối tượng phải đăng ký mã số thuế - cơ quan có thẩm quyền đăng ký mã số thuế

Người nộp thuế phải thực hiện đăng ký thuế và được cơ quan thuế cấp mã số thuế trước khi bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc có phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Tùy thuộc vào đối tượng đăng  ký mã số thuế mà cơ quan có thẩm quyền đăng ký mã số thuế cũng khác nhau. Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 105/2020/TT-BTC hướng dẫn đăng ký thuế thì cơ quan có thẩm quyền đăng ký mã số thuế trong từng trường hợp được xác định như sau:

- Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký thuế theo cơ chế một cửa liên thông cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan;

- Tổ chức, cá nhân không thuộc trường hợp trên thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính bao gồm:

+ Doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bảo hiểm, kế toán, kiểm toán, luật sư, công chứng hoặc các lĩnh vực chuyên ngành khác không phải đăng ký doanh nghiệp qua cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật chuyên ngành (sau đây gọi là Tổ chức kinh tế).

+ Đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế của lực lượng vũ trang, tổ chức kinh tế của các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội, xã hội, xã hội-nghề nghiệp hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật nhưng không phải đăng ký doanh nghiệp qua cơ quan đăng ký kinh doanh; tổ chức của các nước có chung đường biên giới đất liền với việt Nam thực hiện hoạt động mua, bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu; văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài tại Việt Nam; tổ hợp tác được thành lập và tổ chức hoạt động theo quy định của Bộ Luật Dân sự.

+ Tổ chức được thành lập bởi cơ quan có thẩm quyền không có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

+ Tổ chức, cá nhân nước ngoài và tổ chức ở Việt Nam sử dụng tiền viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại của nước ngoài mua hàng hoá, dịch vụ có thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam để viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo; các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam thuộc đối tượng được hoàn thuế giá trị gia tăng đối với đối tượng hưởng ưu đãi miễn trừ ngoại giao; Chủ dự án ODA thuộc diện được hoàn thuế giá trị gia tăng, Văn phòng đại diện nhà tài trợ dự án ODA, tổ chức do phía nhà tài trợ nước ngoài chỉ định quản lý chương trình, dự án ODA không hoàn lại..

+ Tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài hành nghề độc lập kinh doanh tại Việt Nam phù hợp với pháp luật Việt Nam có thu nhập phát sinh tại Việt Nam hoặc có phát sinh nghĩa vụ thuế tại Việt Nam (sau đây gọi là Nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài).

+ Nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam (sau đây gọi là Nhà cung cấp ở nước ngoài).

+ Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế, tổ chức khác và cá nhân có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay cho người nộp thuế khác phải kê khai và xác định nghĩa vụ thuế riêng so với nghĩa vụ của người nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế (trừ cơ quan chi trả thu nhập khi khấu trừ, nộp thay thuế thu nhập cá nhân); Ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hoặc tổ chức, cá nhân được nhà cung cấp ở nước ngoài ủy quyền có trách nhiệm kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài (sau đây gọi là Tổ chức, cá nhân khấu trừ nộp thay). Tổ chức chi trả thu nhập khi khấu trừ, nộp thay thuế TNCN sử dụng mã số thuế đã cấp để khai, nộp thuế thu nhập cá nhân khấu trừ, nộp thay.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo