Nguyễn Thị Thùy Dương

Quy trình kết nạp đảng viên quy định thế nào?

Việc được trở thành đảng viên luôn là vinh dự của những công dân Việt Nam chúng ta. Tuy nhiên, để có thể được kết nạp vào Đảng cũng phải trải qua quá trình đầy thách thức mà không phải ai cũng có thể hoàn thiện để trở thành đảng viên được. Do đó, bài viết này Luật Minh Gia sẽ trình bày cho các bạn thấy quá trình trở thành đảng viên cần phải trải qua những quy trình gì theo pháp luật hiện nay.

1. Đảng viên là gì?

Theo Điều 1 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam quy định: “Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng.”

Có thể hiểu đơn giản rằng Đảng viên là người gia nhập và được kết nạp vào đồng thời sinh hoạt trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Do ở Việt Nam chỉ có Đảng cộng sản là tồn tại hợp pháp và lãnh đạo Việt Nam nên chỉ cần nói đảng viên là đã có thể hiểu đây là thành viên của Đảng Cộng sản Việt Nam mà không cần phải gọi đầy đủ là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

2. Quy trình kết nạp đảng viên

2.1. Học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng

Muốn được kết nạp và Đảng thì bước đầu tiên là phải tham gia học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Học xong sẽ được trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện hoặc tương đương; nơi không có trung tâm bồi dưỡng chính trị thì do cấp có thẩm quyền kết nạp đảng viên cấp Giấy chứng nhận học lớp Nhận thức về Đảng (theo mẫu CN-NTVĐ) có giá trị 5 năm.

2.2. Đề nghị xét kết nạp Đảng

Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cơ sở hoặc tập thể chi đoàn cơ sở; Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở xem xét, ra nghị quyết giới thiệu đoàn viên vào Đảng.

Sau khi được giới thiệu vào Đảng thì người xin vào Đảng sẽ làm đơn xin vào Đảng, đơn viết tay trình bày rõ những nhận thức của mình về mục đích, lý tưởng của Đảng và động cơ xin vào Đảng (theo mẫu 1-KNĐ)

2.3. Lý lịch của người xin vào Đảng và thẩm tra lý lịch

Người xin vào Đảng viết tay vào quyển in sẵn (theo mẫu 2-KNĐ) để khai đầy đủ về lý lịch của bản thân. Thông tin khai phải trung thực, rõ ràng và người khai phải chịu trách nhiệm về nội dung đã khai. Nếu có nội dung cần khai nào chưa rõ, hay không nhớ chính xác để khai thì phải báo cáo với chi bộ xem xét.

Cấp ủy cơ sở sẽ thẩm tra lại lý lịch của người xin vào Đảng khai để xác minh đúng sự thật rồi mới ghi nội dung chứng nhận, ký tên, đóng dấu. Thẩm tra lý lịch được thực hiện với người xin vào Đảng và người thân của người xin vào Đảng (cha, mẹ đẻ, cha, mẹ vợ (chồng) hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng bản thân; vợ hoặc chồng, con đẻ) nhằm khai thác các thông tin về những vấn đề về lịch sử chính trị, chính trị hiện nay, về chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Nội dung thẩm tra, xác minh cụ thể được nêu tại Hướng dẫn số 01-HD/TW

2.4. Lấy ý kiến nhận xét của đoàn thể chính trị - xã hội nơi người vào Đảng sinh hoạt và chi ủy nơi người vào Đảng cư trú

Chi ủy tổ chức lấy ý kiến của đại diện các đoàn thể chính trị - xã hội mà người vào Đảng là thành viên; lấy ý kiến nhận xét của chi ủy hoặc chi bộ (nơi chưa có chi ủy) nơi cư trú của người vào Đảng; tổng hợp thành văn bản báo cáo chi bộ.

2.5. Nghị quyết của chi bộ và cấp ủy cơ sở xét kết nạp người vào Đảng

- Chi bộ xem xét: Đơn xin vào Đảng; lý lịch của người vào Đảng; văn bản giới thiệu của đảng viên chính thức; nghị quyết giới thiệu đoàn viên của ban chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cơ sở hoặc nghị quyết giới thiệu đoàn viên công đoàn của ban chấp hành công đoàn cơ sở; bản tổng hợp ý kiến nhận xét của đoàn thể chính trị - xã hội nơi người vào Đảng sinh hoạt và chi ủy hoặc chi bộ nơi cư trú.
- Nếu được hai phần ba số đảng viên chính thức trở lên đồng ý kết nạp người vào Đảng thì chi bộ ra nghị quyết đề nghị cấp ủy cấp trên xem xét, quyết định.
Nghị quyết nêu rõ kết luận của chi bộ về lý lịch; ý thức giác ngộ chính trị; ưu, khuyết điểm về phẩm chất đạo đức, lối sống; năng lực công tác; quan hệ quần chúng... của người vào Đảng; số đảng viên chính thức tán thành, không tán thành.
Ở những nơi có đảng ủy bộ phận thì đảng ủy bộ phận thẩm định nghị quyết của chi bộ về kết nạp đảng viên, báo cáo cấp ủy cơ sở.

2.6. Tổ chức lễ kết nạp đảng viên

Khoản 4.1 Điều 4 Quy định 29-QĐ/TW quy định kể từ ngày có quyết định kết nạp, chi bộ phải tiến hành kết nạp Đảng viên trong thời hạn 30 ngày làm việc.

Lễ kết nạp đảng viên phải được tổ chức trang nghiêm, đúng trình tự, đầy đủ các thủ tục theo quy định; nếu kết nạp từ 02 người trở lên thì phải tiến hành kết nạp cho từng người một.

2.7. Đảng viên rèn luyện, học tập trong thời gian dự bị 12 tháng và công nhận đảng viên chính thức

Điều 5 Điều lệ Đảng quy định người được kết nạp Đảng phải trải qua thời kỳ dự bị 12 tháng tính từ ngày chi bộ tổ chức lễ kết nạp. Sau khi hết 12 tháng dự bị, trong thời hạn 30 ngày làm việc chi bộ sẽ xét và đề nghị công nhận chính thức cho đảng viên. Như vậy, sau khi được kết nạp đảng viên thì cần phải trải qua 12 tháng dự bị mới được công nhận là đảng viên chính thức nếu đủ điều kiện. Trong trường hợp không đủ điều kiện thì chi bộ phải đề nghị cấp ủy có thẩm quyền ra quyết định xóa tên ra khỏi Đảng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo