Xử phạt vi phạm về sử dụng người nước ngoài lao động tại VN
1. Quy định pháp luật về sử dụng người nước ngoài lao động tại Việt Nam
Mục 3 Bộ luật lao động 2019 quy định về lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Theo đó, từ Điều 151 đến Điều 157 quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến việc sử dụng người nước ngoài lao động tại Việt Nam như: điều kiện tuyển dụng, sử dụng; trách nhiệm của người sử dụng và người lao động; giấy phép lao động,...
Điều 151 Bộ luật lao động hiện hành quy định cụ thể về điều kiện người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam như sau:
“ Điều 151. Điều kiện người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
1. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là người có quốc tịch nước ngoài và phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc; có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
c) Không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam;
d) Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp quy định tại Điều 154 của Bộ luật này.
2. Thời hạn của hợp đồng lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không được vượt quá thời hạn của Giấy phép lao động. Khi sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
3. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật lao động Việt Nam và được pháp luật Việt Nam bảo vệ, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.”
Tại Điều 153 Bộ luật lao động 2019 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài như sau:
- Người lao động nước ngoài phải xuất trình giấy phép lao động khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động sẽ bị buộc xuất cảnh hoặc trục xuất theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
- Người sử dụng lao động sử dụng người lao động nước ngoài làm việc cho mình mà không có giấy phép lao động thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Giấy phép lao động có thời hạn tối đa là 2 năm, trường hợp gia hạn thì chỉ được gia hạn một lần với thời hạn tối đa là 2 năm. Ngoài ra, nếu thuộc một trong các trường hợp theo Điều 154 Bộ luật lao động thì người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Bên cạnh đó, Bộ luật cũng quy định các trường hợp giấy phép lao động hết hiệu lực tại Điều 156.
Chính phủ quy định quy định điều kiện, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép lao động và giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Người sử dụng lao động và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có trách nhiệm tuân thủ, thực hiện đúng quy định của Bộ luật lao động và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Trong trường hợp vi phạm các quy định về việc sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
2. Xử phạt vi phạm về sử dụng người nước ngoài lao động tại Việt Nam
Điều 32 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định cụ thể về xử phạt vi phạm về sử dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Theo đó, người sử dụng lao động hay người lao động khi có các hành vi vi phạm quy định về sử dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam đều sẽ bị xử lí với các hình thức áp dụng theo Điều luật này.
Thứ nhất, xử phạt người sử dụng lao động khi có hành vi thuộc một trong các hành vi vi phạm sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (Khoản 1 Điều 32):
+ Không báo cáo hoặc báo cáo không đúng nội dung hoặc báo cáo không đúng thời hạn về tình hình sử dụng người lao động nước ngoài theo quy định;
+ Không gửi hợp đồng lao động bản gốc hoặc bản sao có chứng thực đã ký kết sau khi người lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động hoặc gia hạn giấy phép lao động tới cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép lao động hoặc gia hạn giấy phép lao động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép lao động đó đối với trường hợp người lao động nước ngoài làm việc theo hình thức hợp đồng lao động.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng/người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng (Khoản 2 Điều 32):
+ Sử dụng lao động nước ngoài không đúng với nội dung ghi trên giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Phạt tiền khi sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc không có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc sử dụng người lao động nước ngoài có giấy phép lao động đã hết hạn hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã hết hiệu lực (Khoản 4 Điều 32):
+ Từ 30.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người;
+ Từ 45.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 20 người;
+ Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 21 người trở lên.
Thứ hai, xử phạt người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam khi có một trong các hành vi:
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng: (Khoản 3 Điều 32)
+ Làm việc nhưng không có giấy phép lao động hoặc không có văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật;
+ Sử dụng giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã hết hiệu lực.
Ngoài hình thức phạt tiền nêu trên, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam nếu có hành vi thuộc Khoản 3 Điều 32 Nghị định 12/20220/NĐ-CP thì còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, đó là bị trục xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất